Nhân viên bị tông tử vong trong sân bay Nội Bài: Dấu hỏi VAECO?
Vụ nhân viên của VAECO điều khiển xe ô tô bán tải đã va chạm và khiến nữ nhân viên Đội môi trường khu bay tử vong khiến dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của VAECO trong việc bồi thường cho nạn nhân?
Theo thông tin từ đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, vào 13h21 ngày 6/7, tại khu vực vị trí đỗ tàu bay số 24A, đoạn tiếp giáp với đường công vụ R1 và R9 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhân viên của Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO) điều khiển xe ô tô bán tải đã va chạm với nữ nhân viên Đội môi trường khu bay thuộc Trung tâm Khai thác khu bay Nội Bài đang làm nhiệm vụ vệ sinh sân đường. Hậu quả vụ tai nạn đã khiến nữ nhân viên tử vong.
Đáng chú ý, trước khi xảy ra va chạm, xe ô tô đã vượt 1 xe kéo đẩy di chuyển cùng chiều và va chạm vào nữ nhân viên. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, thời tiết tại sân có nắng, tầm nhìn tốt. Nữ nhân viên môi trường đang trong ca trực, mặc bảo hộ lao động và áo phản quang đúng quy định, làm việc tại khu vực được phân công.
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) là thành viên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. VAECO có trụ sở chính tại Sân bay quốc tế Nội Bài (TP Hà Nội) và hai chi nhánh tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
VAECO được thành lập và hoạt động theo các tiêu chuẩn và quy định của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, Cục Hàng không liên bang Mỹ, Cơ quan an toàn hàng không Châu Âu, Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế và các nhà Chức trách hàng không các nước…VAECO đang cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu cho toàn bộ các đội bay của Vietnam Airlines và hơn 80 hãng hàng không dân dụng khác trên thế giới.
Cụ thể, theo giới thiệu của VAECO, công ty này cung cấp các dịch vụ như bảo dưỡng nội trường, bảo dưỡng ngoại trường, cung ứng phụ tùng vật tư, bảo dưỡng nội thất, đào tạo kỹ thuật và các dịch vụ bảo dưỡng khác.
Theo giới thiệu của VAECO, hiện doanh nghiệp này có hơn 2800 cán bộ công nhân viên làm việc trung bình 42 giờ/ tuần. Trong đó, hơn 1800 cán bộ công nhân viên làm việc trực tiếp liên quan đến công tác bảo dưỡng máy bay và 800 kỹ sư và thợ kỹ thuật được phê chuẩn chứng chỉ bảo dưỡng các loại máy bay, như A350, 320, A321, A330, B787, B777, ATR72/42.
Dư luận đặt câu hỏi, nhân viên VAECO là người biên chế của công ty hay thuê hợp đồng? Dù nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, điều tra và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi, khi nhân viên để tai nạn chết người, VAECO sẽ phải chịu trách nhiệm gì với nạn nhân tử vong?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn hi hữu xảy ra ngay tại sân đỗ tàu bay giữa phương tiện xe bán tải của VAECO đã đâm tử vong một nhân viên đang vệ sinh sân đường.
Về nguyên tắc người và phương tiện hoạt động trong khu bay phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại khu bay. Nhân viên phải mặc áo phản quang hoặc áo có gắn dải phản quang theo quy định tại điểm c khoản 11 Điều 25 Thông tư 17/2016/TT-BGTVT.
Đối với người điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị phải tuân thủ các giới hạn tốc độ theo quy định; làm chủ tốc độ trong mọi tình huống, điều kiện; không được tăng tốc hoặc phanh đột ngột khi phương tiện tiếp cận hoặc rời khỏi tàu bay; phải quan sát trước, sau và làm chủ được tốc độ khi cho phương tiện chuyển bánh, lưu thông trên đường công vụ, chuyển hướng tiếp cận tàu bay vòng tránh, lùi sau theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 60 Thông tư 17/2016/TT-BGTVT.
Luật sư Thơm cho rằng, thông tin ban đầu cho thấy, trước khi xảy ra tai nạn, chiếc xe bán tải này đã vượt 1 xe kéo đẩy di chuyển cùng chiều và va chạm vào nữ nhân viên. Để có căn cứ xác định lỗi của người lái xe, cơ quan chức năng cần trích xuất camera quá trình di chuyển của phương tiện gây tai nạn.
Nếu có căn cứ xác định lái xe do thiếu quan sát khi vượt vượt 1 xe kéo đẩy di chuyển cùng chiều đâm tử vong nữ công nhân đang vệ sinh sân đường đã có dấu hiệu phạm phạm tội Vô ý làm chết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 128 Bộ luật hình sự. Hành vi phạm tội của lái xe đã vi phạm các quy tắc an toàn trong quá trình làm việc. Lỗi của người lái xe là Vô ý do cẩu thả.
“Mặc dù người lái xe đã có dấu hiệu vi phạm về điều khiển phương tiện gây tai nạn nhưng do khu vực Sân bay không thuộc đường bộ điều chỉnh theo Luật giao thông đường bộ 2008. Do đó, hành vi của lái xe gây tai nạn làm chết nữ nhân viên vệ sinh trong khu vực sân bay thuộc trường hợp phạm tội Vô ý làm chết người là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật” – luật sư Thơm nêu ý kiến.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ tai nạn khiến nạn nhân tử vong là một vụ việc nghiêm trọng. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ hành vi để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong vụ việc trên, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, xe bán tải đang lưu thông trong khu vực sân đỗ tàu bay, có quy định cho phép xe ô tô làm nhiệm vụ được phép di chuyển bởi vậy luật áp dụng trong trường hợp này vẫn là luật giao thông đường bộ.
Theo quy định của luật giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện giao thông phải chú ý quan sát, làm chủ tốc độ. Với thông tin ban đầu, nạn nhân có mặc áo bảo hộ lao động phải đang thực hiện nhiệm vụ bởi vậy rất nhiều khả năng người lái chiếc xe bán tải này đã có lỗi là thiếu chú ý quan sát...
Theo luật sư Cường, trường hợp cơ quan điều tra xác định nguyên nhân tử vong là do người điều khiển phương tiện giao thông đã thiếu chú ý quan sát, người điều khiển phương tiện này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điều 260 bộ luật hình sự và phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân.
Trường hợp người lái xe là người của pháp nhân, thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại thay cho người lái xe này và sau đó người lái xe này sẽ bồi hoàn những thiệt hại đó.
Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền chi phí mai táng, tiền chi phí cấp dưỡng cho người mà người chết có nghĩa vụ cấp dưỡng và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này cơ quan quản lý lao động đối với nữ nhân viên này và cơ quan, tổ chức sử dụng chiếc xe ô tô đó phải có trách nhiệm cùng với gia đình lo chi phí mai táng và các thủ tục khác theo quy định pháp luật, đồng thời thỏa thuận với gia đình về mức bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra cơ quan điều tra cũng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ, trường hợp xác định người lái xe có lỗi thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Qua vụ việc trên, luật sư Cường cho rằng, cảng hàng không là nơi nhiều máy bay hoạt động thường xuyên lên xuống, dừng đỗ. Ngoài ra, còn có rất nhiều các phương tiện khác chuyên chở hành khách, hàng hóa, tiếp nhiên liệu, bộ phận kĩ thuật, bộ phận vệ sinh môi trường... Bởi vậy, nguy cơ gây tai nạn luôn tiềm ẩn, rình rập. Đặc biệt là khi hoạt động hàng không quá tải, không đồng bộ giữa các bộ phận thì nguy cơ tai nạn càng cao.
Do đó, qua vụ việc này các bộ phận chuyên môn, các cơ quan chức năng và các cảng hàng không cần phải siết chặt công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho máy móc và các phương tiện vận hành trong khu vực cảng, tránh những vụ việc tai nạn đáng tiếc xảy ra như vụ việc trên.
Mời độc giả xem thêm video Xe biển xanh gây tai nạn rồi bỏ chạy ở Hà Nội là của Bộ Công an