Nhân viên có nên vượt cấp khi được sếp 'bật đèn xanh'
Tôi đã gặp rất nhiều thượng cấp có 'chính sách mở cửa', nhưng nhìn lại thực tế thì chính sách mở cửa của họ giống 'chính sách gài bẫy' hơn.
Khi nhân viên vượt cấp
Nếu chỉ có một nửa dân công sở cảm thấy thoải mái với chính sách mở cửa, tình hình còn tệ hơn trong quân đội, đặc biệt là khi chính sách mở cửa được cấp dưới sử dụng để qua mặt sếp trực tiếp và đem sự việc lên báo cáo với quản lý cấp cao hơn.
Chính sách mở cửa còn được quy định trong chính sách chỉ huy của Lục quân Hoa Kỳ. Quy định 600-20, chương 2 đoạn 2, hướng dẫn: “Chỉ huy sẽ áp dụng chính sách mở cửa trong phạm vi chỉ huy của mình... Thời gian, hình thức và quy trình cụ thể của chính sách mở cửa sẽ do chỉ huy quyết định” (Lục quân Hoa Kỳ, 2014).
Nhưng ngay cả khi đó là một chính sách chính thức - một yêu cầu bắt buộc - binh lính vẫn phân tích lợi hại theo lối mà giáo sư Detert và Edmonson đã mô tả. Và phần lớn đều nghĩ không đáng chịu rủi ro. Một vài quan điểm ngẫu nhiên sau được lấy từ diễn đàn quân đội:
“Anh không thể tin những vị thượng cấp đó được. Họ hay nói họ có chính sách mở cửa. Anh cần sử dụng chính sách này một cách cực kỳ cẩn trọng. Bất cứ điều gì anh nói ra sẽ được dùng để chống lại anh. Tôi đã gặp rất nhiều thượng cấp có ‘chính sách mở cửa’, nhưng nhìn lại thực tế thì ‘chính sách mở cửa’ của họ giống ‘chính sách gài bẫy’ hơn” (K, 2012).
“Vấn đề phổ biến nhất là binh lính thường cảm thấy là sẽ có hậu quả nặng nề sau khi sử dụng chính sách mở cửa. Có thể không phải trực tiếp, mà gián tiếp” (Shephard, 2014).
Ngay cả trong kinh doanh, ta cũng dễ thấy tại sao việc báo cáo vượt cấp có thể gắn liền với nguy cơ lớn.
Ví dụ, bạn đang gặp vấn đề với sếp của bạn là Fred. Hoặc có thể bạn có một ý tưởng tuyệt vời mà Fred không đếm xỉa tới. Vì vậy bạn quyết định “vượt cấp” và đem ý tưởng đó thảo luận với sếp của anh ta là Judy. Trong phần lớn tổ chức, một trong hai trường hợp sau sẽ xảy ra, và đằng nào bạn cũng bị thiệt:
JUDY: “Anh có nói chuyện này với Fred chưa? Rồi hả? Ừ thì, tôi đồng ý với quyết định của anh ấy, giờ anh quay lại làm việc đi”. Và giờ tôi đã biết anh là một nhân viên ưa gây rắc rối, luôn miệng than vãn và có óc suy xét kém.
Hoặc:
JUDY: “Anh có nói chuyện này với sếp trực tiếp của anh là Fred chưa? Rồi hả? À, tôi mừng vì anh đã rất kiên định và nói chuyện này với tôi. Tôi sẽ không chấp nhận quyết định của Fred và nhắc anh ấy rằng chúng ta cần xem trọng việc... hơn trong tương lai”.
Và rồi sếp của bạn, Fred, sẽ nghĩ về bạn rằng: Mình đã biết hắn là một nhân viên ưa gây rắc rối và luôn miệng than vãn mà.
Liệu sếp có thể sa thải bạn không? Chắc là không. Liệu ông ta có thể phớt lờ bạn, giao những dự án béo bở cho người khác trong đội, xét nét công việc của bạn nhiều hơn, không đồng ý cho bạn làm việc ở nhà vào một ngày tuyết rơi dày, hay nói cách khác là khiến đời bạn khốn khổ không? Có đấy.
Đằng nào bạn cũng bị thiệt.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhan-vien-co-nen-vuot-cap-khi-duoc-sep-bat-den-xanh-post1512044.html