Nhân viên Google bị điều chuyển 10.000 km sau khi phản đối công ty
Không lâu sau khi lên tiếng phản đối hợp đồng của công ty, Ariel Koren bị buộc chuyển từ San Francisco (Mỹ) đến chi nhánh tại Brazil.
Theo LA Times, hơn 500 nhân viên của Google cùng ký tên vào bản kiến nghị, phản đối lãnh đạo tập đoàn này "trả đũa vô cớ" đối với Ariel Koren, quản lý tiếp thị sản phẩm tại Google for Education. Bà là người lên tiếng chỉ trích Dự án Nimbus, hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD mà Google và Amazon Web Services ký kết với Israel.
"Đáng buồn thay, trường hợp của Ariel tương tự với hồ sơ nguy hiểm của Google về hành vi trả đũa nhân viên nổi lên trong vài năm qua, đặc biệt là đối với những người lên tiếng phản đối các hợp đồng tiếp tay cho bạo lực, chống lại người yếu thế", kiến nghị nêu rõ.
Về phần mình, Google cho biết đã điều tra vụ việc và không tìm thấy bằng chứng của việc trả thù nhân viên.
Chuyển đến Brazil hoặc mất chỗ làm
Vào tháng 5/2021, bà Koren đã kêu gọi Google bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine sau cuộc xung đột khiến hơn 250 người thiệt mạng.
Vào tháng 10, bà cùng nhân viên của Google và Amazon soạn một thư ngỏ, chỉ trích Dự án Nimbus. Đây là một kế hoạch kéo dài nhiều năm nhằm mở các trung tâm dữ liệu ở Israel, cung cấp cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ đám mây, phục vụ hoạt động của chính phủ và quân đội nước này.
Koren đã làm việc tại Google khoảng 6 năm, hiện là quản lý bộ phận tiếp thị của Google for Education. Bà sống ở Mexico City trong 2 năm trước khi được chuyển đến San Francisco (Mỹ).
Sang đầu tháng 11, Koren tham gia cuộc họp trực tuyến định kỳ hàng tuần. Tuy nhiên, thay vì kiểm tra công việc như thông thường, người quản lý của bà đưa ra tối hậu thư: chuyển đến Brazil hoặc mất chỗ làm.
Trong cuộc họp, người quản lý nói rằng công việc kinh doanh ở Brazil của nhóm đang phát triển, vai trò của Koren được chuyển đến Sao Paulo và bà có 17 ngày để cân nhắc việc chuyển đến chỗ mới cách nơi ở hiện tại hơn 10.000 km.
"Nó thật kỳ lạ. Toàn bộ sự việc hoàn toàn điên rồ", Koren cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Koren dự kiến quay về Mexico City sau đại dịch, nhưng lãnh đạo nhóm của bà chưa bao giờ đề cập đến ý tưởng chuyển sang Brazil.
Koren đã đệ đơn khiếu nại lên bộ phận nhân sự của Google vào ngày 22/11/2021. Trong đơn, bà cho rằng lý do điều động "rõ ràng đã được tạo dựng" nhằm đẩy bà ra khỏi nhóm. Không có hoạt động trực tiếp nào được định sẵn tại Sao Paulo, trong khi phần lớn công việc của nhóm là làm từ xa.
Koren cho rằng bà bị trả thù vì phản đối Dự án Nimbus và lên tiếng tố cáo việc một thành viên trong nhóm bị quấy rối, phân biệt đối xử vào tháng 3/2021. Với sự hỗ trợ của liên đoàn nhân viên Google, Koren cũng gửi khiếu nại đến Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia Mỹ (NLRB).
Google phủ nhận
"Chúng tôi đã điều tra kỹ lưỡng các tuyên bố của nhân viên này và nhận thấy không có sự trả đũa nào", người phát ngôn của Google, Shannon Newberry khẳng định.
Newberry từ chối bình luận thêm về vụ việc, đồng thời không trả lời hàng loạt câu hỏi được gửi qua email, đề nghị làm rõ nội dung cuộc họp vào tháng 11 năm ngoái giữa Koren và quản lý của bà.
Chỉ vài ngày sau cuộc họp, công ty thông báo với nhóm rằng Koren không còn làm trong nhóm đó, dù lúc đó bà vẫn chưa chấp nhận hay từ chối việc chuyển đến Brazil. Trong đơn khiếu nại, Koren trích dẫn lời của quản lý mình để khẳng định việc đến Sao Paulo là bắt buộc, không phải lựa chọn với bà.
Người quản lý trực tiếp của Koren và giám đốc Tiếp thị toàn cầu của Google for Education đều không đưa ra bình luận gì về vụ việc.
Trong khi đó, đại diện Google từ chối nói về tương lai của Koren. Sau khi sự việc được phanh phui, bà vẫn tiếp tục làm cho Google và sống tại San Francisco.
Làn sóng phản đối Google
Người phát ngôn NLRB, Kayla Blado cho biết văn phòng của hội đồng lao động San Francisco đang điều tra đơn khiếu nại của Koren.
Nghị sĩ khu vực San Francisco, bà Anna Eshoo đã viết một lá thư bày tỏ sự ủng hộ đối với Koren. Trong bức thư gửi CEO Google Sundar Pichai, bà Eshoo cho rằng nhân viên của các công ty cần có quyền phản đối công việc mà không phải đối mặt với nguy cơ bị trả thù.
Theo LA Times, sự ủng hộ dành cho Koren cho thấy mối quan hệ giữa nhân viên và quản lý cấp cao của Google ngày càng căng thẳng. Nó càng củng cố thêm quan điểm của một bộ phận nhân viên công ty, cho rằng văn hóa minh bạch từng có đang nhường chỗ cho môi trường bị kiểm soát chặt chẽ nhằm trừng phạt người lao động.
Sau khi nhân viên Google lên tiếng phản đối các dự án liên quan đến quân sự, quốc phòng, công ty vẫn thực hiện những hợp đồng béo bở này và người bày tỏ ý kiến bị đuổi việc, giáng chức hoặc chuyển sang các bộ phận ít quan trọng hơn.
Đầu năm 2021, các nhân viên Google đã cùng nhau lập ra Công đoàn người lao động Alphabet (Alphabet Workers Union) nhằm tập hợp tiếng nói chung trong việc giải quyết mâu thuẫn với ban lãnh đạo tập đoàn.