Nhân viên sang chấn tâm lý vì sếp liên tục miệt thị, xúc phạm
Vấn nạn PUA nơi làm việc đang phá hoại sự tự tin của các nhân viên. Họ liên tục hoài nghi về năng lực bản thân và chỉ trông chờ vào cấp trên để thẩm định điều đó.
Vào hồi 18h, văn phòng của một công ty mạng viễn thông ở Thượng Hải còn rất đông đúc. Khi đồng nghiệp vẫn còn say sưa công việc, một người phụ nữ bình tĩnh rời đi.
Mãi một lúc sau, mọi người trong căn phòng mới nhận ra rằng bàn làm việc của cô gái ấy không còn chút vật dụng cá nhân nào.
Zack (28 tuổi), một trong những đồng nghiệp của cô gái, cho biết giám đốc bộ phận của họ quá độc đoán và có những hành vi bạo hành tinh thần nhân viên. Ông ta liên tục bắt họ làm việc ngoài giờ, đưa ra nhiều mệnh lệnh mâu thuẫn, chồng chéo và rất dễ nổi nóng.
Đó là lý do người phụ nữ ấy quyết định bỏ việc.
“Chỉ sau vài tháng, giám đốc đã khiến một nhân viên trẻ đầy nhiệt huyết trở thành một người tự ti và ghét bỏ bản thân”, anh nói.
Bản thân Zack cũng phải chịu áp lực tâm lý tương tự như cô gái trên. Anh cảm thấy ghen tỵ trước sự ra đi của đồng nghiệp, nhưng anh thừa nhận mình không đủ can đảm làm điều đó.
Tối hôm ấy, Zack nhận được tin nhắn từ đồng nghiệp cũ. Đó là bài báo nói về "workplace PUA" (tạm dịch: PUA nơi làm việc), một thuật ngữ mô tả vấn đề kiểm soát tâm trí hoặc bạo hành tâm lý tại chỗ làm.
Hóa ra, không chỉ riêng Zack và cô gái trên bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực chốn công sở, mà hàng chục nghìn nhân viên khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Họ đồng loạt lên tiếng chia sẻ câu chuyện của bản thân.
Chủ đề PUA nơi làm việc và hashtag cùng tên nhanh chóng lọt top xu hướng trên Weibo với hơn 580 triệu lượt xem.
Hoài nghi bản thân vì sếp miệt thị, xúc phạm
Ở Trung Quốc, nghệ thuật tán tỉnh (pick-up artistry), viết tắt là PUA, dùng để chỉ cách bắt chuyện và cưa cẩm chuyên nghiệp một đối tượng bất kỳ.
Không ít khóa học PUA ra đời dành cho mọi đối tượng với những huấn luyện viên dày dặn kinh nghiệm tình trường. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ lên tiếng tố cáo các lớp PUA. Họ cho rằng loại hình “nghệ thuật” này xúc phạm nữ giới nghiêm trọng.
Từ những năm gần đây, PUA dần trở thành khái niệm đồng nghĩa với sự lạm dụng tâm lý và cảm xúc con người. PUA nơi làm việc cũng ngày một phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc, nhất là sau khi nữ rapper Yamy chia sẻ về những áp lực tâm lý nặng nề mà công ty chủ quản gây ra cho cô.
Yamy, leader của nhóm nhạc thần tượng mới tan rã Rocket Girls 101, mới đây tố cáo về những hành vi bạo hành tâm lý do Xu Mingchao, CEO công ty JC Universe Entertainment.
Ở bài đăng trên trang Weibo cá nhân, cô đính kèm một tệp âm thanh ghi lại cuộc họp công ty hồi tháng 4 vừa qua mà cô không có mặt.
Trong đoạn ghi âm, Xu liên tục cười cợt về ngoại hình của nữ thần tượng với một nhân viên khác. Ngoài việc chê bai cô xấu xí, ốm yếu, ông còn chỉ trích Yamy ăn mặc như một con nhím.
“Tôi từng nghĩ rằng do bản thân trình diễn chưa tốt nên mới gặp phải những chỉ trích của giám đốc”, Yamy viết.
Hành vi của Xu lặp lại rất nhiều lần khiến cô gái 28 tuổi rơi vào trầm cảm và liên tục nghi ngờ tài năng của bản thân. Do không thể chịu đựng được thêm, Yamy quyết định hủy bỏ hợp đồng và rời công ty.
“Công việc của tôi chẳng kém giá trị hơn của ông đâu, dù có thể tôi chỉ kiếm được bằng 0,0001% ông. Hơn nữa, dù ngoại hình của tôi không phù hợp với thị hiếu của ông, điều đó không đồng nghĩa với việc ông được chà đạp lên nhân phẩm của tôi”, Yamy tuyên bố trên mạng xã hội.
Bài đăng của nữ rapper sinh năm 1991 nhận hơn 5,8 triệu lượt thích và 229.000 bình luận. Nhiều người chỉ trích hành động xúc phạm phụ nữ của giám đốc Xu. Một số khác nghĩ rằng những gì Yamy trải qua giống với văn hóa PUA nơi làm việc.
Vị giám đốc lập tức phản bác. Ông cho rằng nữ thần tượng chỉ đang cố tạo sức ép để hủy bản hợp đồng với công ty. Xu cũng công khai gửi lời xin lỗi tất cả nhân viên nếu ông từng nổi nóng vô cớ, ngoại trừ Yamy.
Tranh cãi giữa Yamy và công ty quản lý làm dấy lên cuộc thảo luận sâu rộng hơn về mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới trong môi trường làm việc.
“PUA nơi làm việc phá hoại sự tự tin của các nhân viên. Họ liên tục hoài nghi về năng lực bản thân và chỉ trông chờ vào cấp trên để thẩm định điều đó”, nhà tâm lý học Yu Tianyi cho biết.
Theo Yu, cái gọi là “kiểm soát tâm trí” tồn tại ở mọi chốn làm việc nhưng đa số nạn nhân không nhận ra.
“Nhiều nhân viên nghĩ rằng cấp trên đối xử tệ với họ bởi họ vô dụng, thay vì nhận ra đó chỉ là PUA nơi làm việc. Nếu các nạn nhân không sớm tỉnh ngộ, họ sẽ mãi tin rằng bản thân vô giá trị và tiếp tục sống trong bóng tối”, Yu nói.
Không chỉ có nhân viên chính thức, ngay cả thực tập sinh cũng phải đối mặt với áp lực lớn và thái độ vô lý từ cấp trên.
Trong chuyến thực tập nghề nghiệp của mình tại một công ty nhà nước, một sinh viên đại học 21 tuổi cho biết anh thường xuyên bị lãnh đạo bộ phận chửi mắng.
“Có một lần, vị giám đốc nổi điên lên và nhục mạ công việc thực tập của tôi trong phòng họp. Lúc đó, cửa phòng vẫn đang mở. Tôi đảm bảo rằng tất cả nhân viên trong công ty đều nghe thấy. Chưa bao giờ tôi cảm thấy xấu hổ tới vậy”, anh nói.
Do không thể chịu đựng được thêm, chàng trai quyết định rời đi dù vẫn còn 3 tháng thực tập còn lại.
Tuy điều này ảnh hưởng không nhỏ đến điểm số học tập và triển vọng nghề nghiệp tương lai, ít nhất anh tìm cách thoát khỏi tình huống gây tổn thương tâm lý của mình.
Xiong Xinfa, một cố vấn nghề nghiệp, cho biết nhân viên chỉ nên chấp nhận những lời góp ý công bằng và mang tính xây dựng từ cấp trên. Vì vậy, anh hy vọng những ai bị chỉ trích vô cớ và thường xuyên hứng chịu lời sỉ nhục, chửi mắng của lãnh đạo hãy tìm cách tự giải thoát bản thân.
“PUA nơi làm việc xảy ra khi mất cân bằng quyền lực giữa sếp và nhân viên. Mọi người cần hiểu rằng các mối quan hệ ở chỗ làm đều dựa trên nguyên tắc bình đẳng cá nhân. Thật vô nghĩa khi bạn phải làm việc cho một ông chủ không biết tôn trọng nhân viên”, Xiong nói.