Nhân viên văn phòng vừa làm vừa lo khi F0 tăng
Anh Tuấn Tú cho biết tuần nào trong công ty cũng có F0, mọi người chuẩn bị tâm lý cho việc nhiễm bệnh bất cứ lúc nào.
“Chị lên 2 vạch rồi!”, dòng tin nhắn của chị Minh Thu (trưởng bộ phận thẩm định tại một công ty tài chính ở TP.HCM) nhắn vào nhóm chat khiến mọi người không khỏi lo lắng. Anh Đặng Tuấn Tú (32 tuổi) cho biết đây là thành viên thứ 2 của phòng anh trở thành F0 kể từ sau Tết.
“Bản thân tôi cũng sẵn sàng tâm lý nếu không may nhiễm bệnh. Điều tôi lo lắng là di chứng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe”, anh Tuấn Tú nói.
Ca nhiễm tăng
Đầu tháng 10/2021, sau khi TP.HCM kết thúc giãn cách xã hội, anh Tuấn Tú cùng các đồng nghiệp kết thúc quá trình làm việc tại nhà để trở lại văn phòng.
Nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm dịch bệnh, công ty yêu cầu các nhân viên phải mang khẩu trang suốt quá trình làm việc tại văn phòng.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2022, biến chủng Omicron bùng phát mạnh ở TP.HCM. Công ty của anh Tú liên tục ghi nhận các ca nhiễm nCoV.
“Chỗ tôi làm việc, tuần nào cũng có người mắc Covid-19”, anh Tú nói. Người đàn ông 32 tuổi cho biết thêm riêng nhóm làm việc của anh đã có 2/12 thành viên dương tính với nCoV.
Tâm lý lo lắng khiến nhiều nhân viên trong công ty suy nghĩ đến phương án làm việc tại nhà. Tuy nhiên, anh Tú cho biết vì các lý do bảo mật thông tin nên phía công ty chưa sẵn sàng trở lại phương án như thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách.
Chỉ những trường hợp đặc biệt, khi nhân viên có người thân ở chung nhà mắc Covid-19, mới được xem xét làm việc tại nhà.
“Chị đồng nghiệp của tôi rất kỹ lưỡng, không bao giờ ăn chung với nhóm, cũng hạn chế tiếp xúc, nhưng lại bị nhiễm. Hiện tại, tôi vừa làm vừa lo, không biết khi nào tới lượt mình bị nhiễm bệnh”, anh Tú chia sẻ.
Sự lây lan nhanh và phức tạp của biến chủng Omicron trở thành mối đe dọa cho các nhân viên văn phòng, bởi vì họ luôn phải làm việc trong môi trường kín, có máy điều hòa.
Chị Vũ Thị Thu Hằng (35 tuổi), nhân viên của một công ty chuyên về logistics tại TP.HCM, cho biết trước khi vào văn phòng làm việc, chị phải khai báo y tế và đo thân nhiệt. Công ty sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 mỗi tuần 2 lần, yêu cầu các nhân viên không tụ tập.
Bên cạnh đó, vào giờ trưa thay vì tập trung tại căng tin để ăn cơm, hiện tại các đồng nghiệp của Hằng ăn cơm tại chỗ làm việc, tránh tiếp xúc gần.
Theo chị Hằng, việc tăng cường biện pháp phòng bệnh của mỗi người sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong môi trường văn phòng. Chính vì vậy, chị Hằng luôn trang bị nước rửa tay, cồn khử khuẩn bàn làm việc, và thường xuyên rửa mũi, súc họng mỗi khi trở về nhà.
Lo ảnh hưởng công việc chung
Chiều 1/3, sau khi chụp ảnh cho khách hàng, Phạm Hoàng Duy (22 tuổi) trở về phòng làm việc thì nhận được thông tin vị khách mà anh vừa tiếp xúc dương tính với nCoV.
Làm nhân viên truyền thông tại phòng khám nha khoa, Duy cho biết từ sau Tết anh thường xuyên trở thành F1.
“Ban đầu tôi hoảng lắm. Mặc dù tôi đã mắc Covid-19 một lần rồi, khả năng bị tái nhiễm là có thể xảy ra. Tôi cũng sợ sẽ lây bệnh cho gia đình nếu không may dương tính”, anh Duy nói.
Trước bối cảnh biến chủng Omicron ngày một phức tạp, phòng khám đã tăng cường các biện pháp phòng dịch. Khách hàng trước khi vào khám sẽ được xét nghiệm nhanh, công tác vệ sinh - khử khuẩn được thực hiện 3 giờ một lần.
Theo Duy, việc tăng cường các biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc phần nào giúp anh cảm thấy an tâm hơn, nhưng không hoàn toàn tránh được rủi ro lây nhiễm. “Test nhanh thì không phải lúc nào cũng cho kết quả đúng. Nhưng, công việc của mình thì buộc phải có mặt ở văn phòng, đành chấp nhận thôi”, Duy chia sẻ.
Anh Phạm Lê Hoàng Phúc (27 tuổi), nhân viên thiết kế tại công ty bất động sản ở TP.HCM, kể rằng ngày đầu tiên trở lại văn phòng làm việc sau Tết đã nhận thông tin công ty có ca dương tính với nCoV.
“Giám đốc của tôi mắc Covid-19. Kể từ hôm đó, văn phòng vắng hoe”, Hoàng Phúc nói.
Ngoài giờ làm việc hành chính, Phúc còn nhận thêm công việc chụp ảnh sự kiện buổi tối. Ngoài nguy cơ lây nhiễm từ văn phòng, Phúc còn đối mặt với vấn đề lây nhiễm từ những buổi đi làm ngoài giờ.
Việc thường xuyên đến những sự kiện đông người, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy Phúc luôn mang khẩu trang và thường xuyên khử khuẩn, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
“Tôi ở cùng phòng với cậu em trai. Tuy nhiên, gần đây tôi đi làm trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, nên em trai tôi chuyển ra ngủ ở phòng khách”, anh Phúc chia sẻ.
Phúc dự định xin phép làm việc tại nhà bởi công việc thiết kế có thể làm từ xa. Tuy nhiên, quyết định vẫn còn phụ thuộc vào phía công ty. Theo anh, đi làm thời điểm này thì phải chấp nhận nguy cơ nhiễm bệnh.
“Tôi chỉ lo lắng nếu mình mắc Covid-19, có thể sẽ ảnh hưởng đến người xung quanh và công việc của công ty”, Phúc nói.
Trong phiên họp Chính phủ hôm 3/3, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Trong khi đó, Bộ Y tế cũng vừa có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề xuất cho F0 và F1 không có triệu chứng làm việc cũng như dừng công bố ca mắc Covid-19 hàng ngày. Theo Bộ Y tế, việc dừng công bố số ca mắc là để tránh gây hoang mang vì đó chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch, chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh...
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-vien-van-phong-vua-lam-vua-lo-khi-f0-tang-post1300376.html