Nhân viên y tế e ngại tư vấn tiêm vắc xin ComBE Five cho trẻ
Nhiều nhân viên y tế lo ngại trẻ bị phản ứng sau tiêm phòng nên khá dè dặt trong việc tư vấn cho phụ huynh, khiến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ComBE Five ở trẻ em TP Hồ Chí Minh còn thấp.
Đây là thông tin được Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh đưa ra ngày 8/5, tại Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh tháng 5/2019.
Theo bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh), từ tháng 2/2019 đến nay, thành phố đã triển khai tiêm vắc xin ComBE Five cho 16.511 trẻ, đạt 20,4% tổng số trẻ trong độ tuổi cần tiêm chủng vắc xin ngừa năm loại bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib. Trong số trên 16.000 trẻ được tiêm chủng bằng vắc xin ComBE Five thì có 1.218 trẻ có các phản ứng nhẹ sau tiêm, không có trường hợp phản ứng nặng. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five tại TP Hồ Chí Minh tương đương với cả nước (từ 7 - 10%).
Theo bác sỹ Lê Hồng Nga, rào cản lớn nhất là tâm lý của phụ huynh, nhiều người từ chối vắc xin ComBE Five do lo sợ phản ứng sau tiêm.
Theo khảo sát ngẫu nhiên của Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh tại một trạm y tế phường trên địa bàn, dù trạm y tế có phát giấy mời đến 114 gia đình có trẻ nhỏ nhưng chỉ có 23 trẻ đến trạm và trên thực tế, số trẻ tiêm vắc xin ComBE Five chỉ là 6 em. “Điều này cho thấy kỹ năng tư vấn của các nhân viên y tế tại trạm y tế rất kém”, bác sỹ Lê Hồng Nga nhận định.
Cũng theo khảo sát của đơn vị này tại phường 6 (quận 5), nhân viên của trạm y tế đã sử dụng lệnh “ngưng gọi tiêm” một cách khá tùy tiện. Các nhân viên chỉ gọi điện thoại một lần mà phụ huynh không nghe máy đã đưa trẻ vào diện “ngưng gọi tiêm”. Trong khi đó, tại một số đơn vị khác số trẻ được quản lý ít hơn nhiều so với số trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Vì vậy, Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện giám sát chặt chẽ công tác quản lý đối tượng tiêm chủng của các trạm y tế phường, xã. Cùng với đó, các quận, huyện cần phải tổ chức tập huấn kỹ năng tư vấn cho nhân viên phụ trách công tác tiêm chủng tại trạm y tế. Các trạm y tế cần tăng tần suất buổi tiêm chủng thêm từ 1 - 2 buổi/tháng hoặc thực hiện tiêm chủng vào ngày thứ 7 để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm thuận lợi hơn.