Nhân viên y tế ở Quảng Nam bị nợ lương nhiều tháng
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề, nhưng nhiều nhân viên y tế tại một số bệnh viện ở Quảng Nam vẫn bị nợ lương nhiều tháng liền. Họ đang phải xoay sở đủ cách để trang trải cuộc sống, năm nay coi như 'hết Tết'sớm.
4 tháng chưa nhận được lương
Suốt 4 tháng nay, hàng chục cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bị nợ lương. Họ phải xoay xở đủ cách để trang trải cuộc sống và đứng trước lựa chọn nên tiếp tục công việc hay thôi. Nhiều người chua xót cho rằng, năm nay coi như “hết Tết”.
Chị H., một bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện cho biết, suốt 4 tháng nay đi làm không lương, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do chồng gánh vác và vay mượn của người thân, bạn bè. “Biết là đi làm không lương đó, nhưng với trách nhiệm của một người bác sĩ, tôi vẫn phải cố gắng đi làm. Nhiều lần kiến nghị mong lãnh đạo giải quyết sớm nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu”, chị H. buồn bã nói.
Theo chị H., tháng 10/2021, chị nhận được nửa lương của tháng 9, từ đó đến nay không nhận được đồng lương nào. Chưa tính chế độ phụ cấp (40%) và các khoản hỗ trợ khác, số tiền lương cơ quan đang nợ của chị là 24 triệu đồng. Tại bệnh viện có hơn 40 người rơi vào cảnh bị nợ lương như chị, số tiền bị nợ đều trên 20 triệu đồng. Trước tình trạng bị nợ lương kéo dài, nhiều nhân viên tính đường chuyển công tác, hoặc nghỉ việc.
“Biết là do ảnh hưởng dịch bệnh nên tình hình rất khó khăn, nhiều anh chị em động viên nhau làm việc, chờ tới ngày nhận lương thôi. Thế nhưng chờ mãi, chờ mãi đến nay đã 4 tháng qua rồi mà lương thì chẳng thấy đâu. Trong khi đó, lãnh đạo lại không có cách để tháo gỡ, thực sự rất buồn và hoang mang. Tết thì đã cận kề, biết bao khoản phải lo mà lương thì không có, năm nay coi như “hết Tết” sớm”, chị H. trầm tư nói.
Không chỉ ở Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam mà việc nợ lương còn xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam khiến nhiều nhân viên y tế lâm vào cảnh khó khăn. Theo một cán bộ làm việc tại đây, trong thời gian qua, lực lượng cán bộ, nhân viên nỗ lực vừa làm nhiệm vụ chuyên môn vừa tham gia phòng, chống dịch Covid-19 nhưng nay lại bị chậm lương 2 tháng. “Tết đến, biết bao nhiêu thứ phải mua, phải sắm mà giờ lương không có, chúng tôi biết lấy gì mà chi tiêu đây”, cán bộ này nói.
Tạm ứng kinh phí để trả lương cho cán bộ, nhân viên
Ông Nguyễn Văn Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên xác nhận, việc chậm lương cho các y, bác sĩ, nhân viên tại trung tâm là đúng. Nguyên nhân do nguồn thu bị hụt, khiến việc chi trả lương chậm.
“Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn nên người khám bệnh rất ít. Tâm lý đến khám cũng lo ngại nên chủ yếu đến quầy thuốc để mua là chủ yếu. Từ đó, nguồn thu của trung tâm bị hụt, chậm trả lương cho cán bộ, nhân viên. Hiện, đơn vị đã gửi đơn báo cáo tài chính lên tỉnh và xin hỗ trợ. Việc chậm trả lương cho người lao động là điều không ai mong muốn nhưng nguồn thu không có nên đành phải vậy”, ông Thạnh nói.
Tương tự, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam Huỳnh Tấn Tuấn cũng xác nhận việc bệnh viện nợ lương nhiều tháng là đúng. Ông Tuấn cho biết, không như những đơn vị khác có ngân sách hỗ trợ, bệnh viện phải tự thu, tự chi nên mất cân đối tất cả hoạt động, mà nguồn thu chủ yếu từ việc khám chữa bệnh. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc khám chữa bệnh gặp khó khăn, tác động trực tiếp đến nguồn thu của bệnh viện.
“Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nguồn thu của bệnh viện giảm hơn 50%, dẫn đến việc chậm trả lương cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện. Trong ngày hôm nay tôi đã có tờ trình gửi Sở Tài chính và UBND tỉnh xin hỗ trợ, đồng thời đề xuất phương án tháo gỡ, có hướng lâu dài”, ông Huỳnh Tấn Tuấn nói.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Tuấn, sắp tới đơn vị sẽ xin điều chỉnh quy định từ mức tự chủ sang hỗ trợ ngân sách theo Nghị định 60. “Chúng tôi sẽ cố gắng xin cho được hỗ trợ để giải quyết việc trả lương cho các cán bộ, nhân viên trước Tết nguyên đán 2022”, ông Huỳnh Tấn Tuấn chia sẻ.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết, do dịch Covid-19 khiến việc thu dung, điều trị bệnh nhân ít. Trong khi đó, hiện nay, đa phần các bệnh viện đều phải tự chủ nên gặp khá nhiều khó khăn.
“Sở Y tế tổng hợp các cơ sở khám chữa bệnh có thu dung điều trị gửi Sở Tài chính và UBND tỉnh để xin hỗ trợ, kịp thời trả lương cán bộ, nhân viên, tuy nhiên, việc này rất lâu. Do đó, Sở Y tế đề xuất tạm ứng một phần kinh phí để hỗ trợ trả lương cho cán bộ, nhân viên ở một số đơn vị” - ông Mai Văn Mười nói.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhan-vien-y-te-o-quang-nam-bi-no-luong-nhieu-thang.html