'Nhãn VietGAP'- Dễ tiêu thụ, hiệu quả kinh tế cao

Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực cải tạo giống nhãn, thực hiện các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường đất, nước.

Các thành viên Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu (thành phố Hưng Yên) trao đổi kinh nghiệm trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP

Các thành viên Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu (thành phố Hưng Yên) trao đổi kinh nghiệm trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4,9 nghìn héc-ta trồng nhãn, diện tích nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP chiếm 30% tổng diện tích. Sản lượng nhãn quả năm nay ước đạt từ 45 đến 47 nghìn tấn. Không chỉ nâng cao chất lượng, ổn định năng suất nhãn quả, sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP còn tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nhãn quả của tỉnh.

Hiện nay, thành phố Hưng Yên có trên 1 nghìn ha trồng nhãn, tập trung ở các xã: Hồng Nam, Quảng Châu, Tân Hưng… Xác định nhãn là cây trồng có thương hiệu và chủ lực, thành phố tích cực vận động các nhà vườn chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất nhãn hữu cơ, an toàn; phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nhãn VietGAP. Cùng với đó, vận động các nhà vườn thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nhãn tạo tiền đề xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, thành phố có trên 300 héc-ta nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP, một số HTX đã xuất khẩu nhãn quả tươi sang thị trường EU, Hàn Quốc…

Hợp tác xã (HTX) nhãn lồng Tiên Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) có 24 héc-ta trồng nhãn, chủ yếu là các giống nhãn: Hương chi, T6, siêu ngọt… Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngay từ khi thành lập, HTX đã xây dựng mô hình sản xuất nhãn an toàn theo quy trình VietGAP. Các quy trình sản xuất của thành viên được kiểm soát chặt chẽ, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được áp dụng theo nguyên tắc “4 đúng” và tăng cường bón phân hữu cơ. Ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nhãn lồng Tiên Châu cho biết: Hiện nay, 100% diện tích trồng nhãn của HTX được sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhãn quả sản xuất theo quy trình VietGAP có các ưu điểm: vỏ mỏng, cùi dày, vị ngọt thơm, đa dạng thị trường tiêu thụ, giá bán cao…

Vụ nhãn năm nay, sản lượng nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP của HTX nông sản sạch Minh Bảo, xã Bình Kiều (Khoái Châu) ước đạt hơn 200 tấn. Ông Phạm Đức Long, Giám đốc HTX nông sản sạch Minh Bảo cho biết: Để phát huy hiệu quả trồng nhãn, HTX tích cực vận động thành viên chuyển đổi sang trồng các giống nhãn chất lượng, đặc sản; 100% diện tích nhãn của HTX được sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nhãn quả VietGAP có mẫu mã đẹp, quả đều, chi phí sản xuất giảm 10% so với sản xuất truyền thống, năng suất cao hơn từ 15% trở lên. Ngoài ra, nhãn quả VietGAP được thương lái tới tận vườn thu mua, giá bán cao hơn khoảng 20% so với thị trường do đáp ứng được mẫu mã và chất lượng.

Sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP tại HTX nhãn Đa Lộc, xã Đa Lộc (Ân Thi)

Sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP tại HTX nhãn Đa Lộc, xã Đa Lộc (Ân Thi)

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, các nhà vườn, nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP cho các chỉ số chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, canh tác bền vững và giảm chi phí sản xuất. Để mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn quả, đến nay, tỉnh đã xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên. Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 17 mã số vùng trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng các tiêu chí ở các địa phương: thành phố Hưng Yên, Khoái Châu, Tiên Lữ với tổng diện tích gần 300 héc-ta. Đây là cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn của tỉnh sang các nước: Mỹ, Úc, NewZealand, Nhật Bản, Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, sản xuất nhãn an toàn, chất lượng là hướng đi đúng và hiệu quả trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên. Một số sản phẩm nhãn chín sớm, nhãn đường phèn, nhãn cùi vân vẫn được khách hàng ưa chuộng với giá bán từ 50 đến 150 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, các sản phẩm nhãn được sản xuất theo quy trình VietGAP của một số HTX, nhà vườn được tham gia bày bán trên các trang thương mại điện tử, liên kết tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, nhà hàng.

Đồng chí Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thời gian tới, sở tiếp tục thực hiện các đề án, mô hình sản xuất nhãn theo hướng hàng hóa, chất lượng nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên; phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, mở rộng vùng trồng nhãn được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó, các HTX, nhà vườn cũng cần chủ động đầu tư mặt bằng sơ chế, trang thiết bị bảo quản để bảo đảm chất lượng nhãn quả sau thu hoạch, tạo điều kiện cho các đơn vị đến thu mua...

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nhan-vietgap-de-tieu-thu-hieu-qua-kinh-te-cao-3174836.html