Nhân vụ bạo hành vợ ở Long Biên nói về cuộc đời khốn khổ của những đứa con chứng kiến bạo hành
Vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong gia đình mà liên tiếp những ngày gần đây các vụ chồng vũ phu thẳng tay bạo hành vợ trước sự chứng kiến của các con xảy ra. Chứng kiến cảnh bố mẹ xô xát (thường là mẹ bị bố đánh), những đứa trẻ thường mang theo những thương tổn khó lành trong tâm lý ngay cả khi đã trưởng thành.
Ám ảnh vì mỗi khi bố bạo hành mẹ lại kéo vào chứng kiến
Những ngày gần đây các vụ chồng bạo hành vợ xẩy ra gây bức xúc trong dư luận. Mới đây nhất là một vụ bạo hành diễn ra ở Long Biên, Hà Nội. Trước đó một clip ghi lại cảnh người chồng ra tay hành hung vợ đang bế con 2 tháng tuổi được anh trai của người vợ chia sẻ lên mạng xã hội. Chỉ vì lý do vợ chuyển tivi vào phòng con trai lớn mà không hỏi ý kiến chồng, anh này đã gây gổ và đấm đá liên tiếp vào người vợ đang bế con nhỏ khiến chị ngã xuống sàn nhà. Sự việc xảy ra khi trong nhà đang có mặt cậu con trai 6 tuổi và một người phụ nữ lớn tuổi khác.
Trước đó không lâu, một vụ việc tương tự cũng xảy ra vào cuối tháng 8 ở TP Bắc Kạn khi người chồng ra tay với vợ ngay trước mặt con trai lớn và trên tay chị cũng đang bế đứa nhỏ. Anh ta thẳng tay đấm đá, tát vợ trước sự chứng kiến của cậu con trai đang ngồi cạnh. Anh này đã thừa nhận hành vi đánh vợ của mình.
Ở những vụ bạo hành gia đình, nạn nhân thường là những người phụ nữ, thế nhưng đau lòng hơn cả vẫn là những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh bạo hành. Không ít trẻ lớn lên đã chịu ám ảnh bởi những vụ bạo hành tàn nhẫn. Trong thực tế, không hiếm những đứa trẻ bị bạo hành, chứng kiến những hành vi bạo hành của bố mẹ mà cuộc sống không mấy thuận lợi, trầm cảm. Rất khó khăn để trẻ có thể vượt qua được.
Tâm lí đó giống chị Nguyễn Khánh Vy, 32 tuổi (Hưng Yên). Chị kể, mỗi khi bố bạo hành mẹ lại kéo chị vào chứng kiến. Cho đến giờ đã có gia đình nhỏ nhưng những hình ảnh bạo lực, kí ức kinh hoàng ngày nhỏ vẫn không thể quên.
Theo lời chị kể, bố của chị là một người rất gia trưởng, mọi việc đều phải làm theo ý ông. Chỉ cần vợ và các con làm trái ý hoặc không đúng ý là bị ăn đòn. Cứ mỗi lần ông không hài lòng là chửi rồi đánh đập. Mẹ chị vẫn là người phải hứng chịu những trận đòn vô cớ đó. Nhiều lúc bố lấy dây thừng đánh, nếu khóc là đánh nhiều hơn. Khổ nhất là mỗi khi bố đánh mẹ là sẽ bắt các con chứng kiến và nói "Nếu muốn làm trái ý thì cứ nhìn mẹ mày mà làm gương". Mỗi ngày trôi qua trong gia đình là một ngày của mặt trận không bình yên, nhẹ thì lời qua tiếng lại, nặng hơn là những trận bạo hành.
Mọi thứ trở nên bình yên khi bố chị không may mất vì tai nạn giao thông. Nhưng tuổi thơ phải chứng kiến bố bạo hành mẹ và nhiều khi cũng bị chính người bố bạo hành đã khiến chị vô cùng ám ảnh về cuộc sống gia đình. Ở tuổi cập kê, bạn bè đã lập gia đình cả và có con nhưng chị vẫn sợ. Chị không muốn lấy chồng bởi sợ rơi vào cảnh như mẹ.
Trẻ dùng bạo lực nhiều hơn khi lớn lên
Chia sẻ với PV Báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia tâm lý TS. Vũ Việt Anh, Tổng giám đốc Học Viện Thành Công cho biết, mọi người đừng nghĩ là chỉ những trẻ bị đánh đập mới bị tổn thương do bạo hành mà ngay cả việc chứng kiến hành vi bạo lực trong gia đình, trường lớp cũng là gián tiếp bạo hành trẻ, gây ra những tổn thương tâm lý cho trẻ.
Những đứa trẻ khi trực tiếp chứng kiến cha mẹ sử dụng bạo lực sẽ tiếp nhận nhiều thông điệp xấu. Đó là trẻ cho rằng để dành được cái con muốn từ người khác phải dùng đến sức mạnh, bạo lực. Đây cũng là cách để điều khiển người khác.
Trẻ nhỏ chịu ảnh hưởng rất lớn từ bố mẹ. Nó giống như một bản sao của gia đình, càng bé thì sự ảnh hưởng này càng lớn. Đó là chưa kể, trẻ còn hay bắt chước, nếu thấy cha mẹ bạo lực sẽ ghi nhớ vào sâu trong tâm trí và hành xử theo những gì con học được, đối xử với mọi thứ xung quanh nó bằng thái độ như vậy.
Phân tích sâu hơn, TS Vũ Việt Anh cho rằng, một khi trẻ học được bài học dùng sức mạnh và bạo lực với người khác, trẻ sẽ luôn dùng bạo lực khi muốn đồ chơi của bạn mà bạn không cho sẽ đánh bạn hoặc khi có ai không làm đúng yêu cầu của mình là sẽ dùng bạo lực… Điều này lặp đi lặp lại thành tính cách, con trở nên hung hăng và coi việc dùng bạo lực trong cách hành xử hàng ngày là điều tất yếu.
Khi cha mẹ bạo hành trước mặt trẻ, trẻ cũng hiểu được hãy bạo lực với cả những người yêu quý của con. Muốn điều khiển người khác thì phải có sức mạnh và tin rằng bạo hành người khác là cách nhanh nhất và tốt nhất để giải quyết vấn đề. Thường những trẻ sống trong môi trường giáo dục bạo lực có nguy cơ kết bè, kết bảng với nhau để đi bắt nạt các bạn khác tạo nên hiện tượng bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên.
Trẻ càng chứng kiến cảnh bạo lực, càng bị đòn nhiều càng dễ hành xử bạo lực với người khác. Sau này lớn lên, trẻ cũng sẽ hành xử với vợ/ chồng, con cái như vậy. Một nghiên cứu đã chỉ ra, cứ 4 người xuất thân trong một gia đình bạo lực thì có 1 người hung hăng làm con mình bị chấn thương trầm trọng. Gần như 100% trẻ em bị trừng phạt về thể xác đều tấn công anh chị em mình, 20% đánh đập tàn nhẫn anh chị em mình. Những người chồng sinh ra trong gia đình bạo lực đánh vợ nhiều hơn 600 lần so với đàn ông xuất thân trong gia đình không bạo lực.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, mâu thuẫn, tranh cãi trong đời sống gia đình là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng cha mẹ hãy tạo cho trẻ có được một môi trường số an toàn. Nếu có bất đồng quan điểm cũng hạn chế cãi nhau trước mặt con, nhất là lại dùng bạo lực.