Nhân vụ chuyến bay giải cứu, nhìn lại những quan chức 'ngã ngựa' vì 'quà' trên thế giới
Tham nhũng – 'giặc nội xâm' nguy hiểm. Nhân vụ chuyến bay giải cứu, Báo Công Thương điểm lại các quan chức 'ngã ngựa' vì 'quà' trên thế giới.
Đối với bất cứ quốc gia nào, tham nhũng là vấn nạn và “kẻ thù” nguy hiểm nhất, nó phá hoại nền kinh tế, đe dọa đến sự phát triển của xã hội, uy tín của quốc gia, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả chế độ chính trị. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), hàng năm, trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Hãy cùng điểm lại một số vụ án tham nhũng gây chấn động dư luận quốc tế và những kinh nghiệm phòng, chống và xử lý “căn bệnh” này của một số quốc gia trên thế giới
1. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
Park Geun-hye là nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Hàn Quốc, đồng thời cũng là nữ lãnh đạo đầu tiên ở các nước Đông Á. Bà là con gái của cố tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Là người phụ nữ độc thân, với phát ngôn nổi tiếng "Tôi kết hôn với Hàn Quốc, tôi không có con, người Hàn Quốc là gia đình tôi" được kỳ vọng sẽ là 1 nhà lãnh đạo liêm khiết bởi trước đó đã có rất nhiều nhà lãnh đạo Hàn Quốc dính dáng vào các bê bối lớn liên quan đến họ hàng. Thế nhưng, sự nghiệp chính trị từ trên đỉnh cao của Park Geun-hye đã rớt xuống vực thẳm. Sau quá trình điều tra, ngày 10/3/2017, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc cáo buộc Park Geun-hye với 18 tội danh, trong đó có tội biển thủ, lạm dụng quyền lực, ép buộc tập đoàn, và làm rò rỉ bí mật nhà nước. Một trong những cáo buộc nghiêm trọng nhất đối với bà Park Geun-hye là nhận hối lộ 59,2 tỷ won (52,7 triệu USD) từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, gồm Samsung, Lotte và SK. Hiện cựu Tổng thống đang bị giam giữ tại một trung tâm ở phía Nam thủ đô Seoul.
2. Vụ tham nhũng chấn động chính trường Mỹ
Bắt đầu từ năm 1909, Hải quân Mỹ quyết định tất cả các tàu chiến đều phải chuyển đổi động cơ chạy bằng than sang chạy dầu. Điều này đã dẫn đến vụ tham nhũng tai tiếng nhất lịch sử nước Mỹ mà người chủ mưu là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Albert Fall, trong đó có sự góp phần của Tổng thống Mỹ Warren G. Harding.
Năm 1920, với sự hỗ trợ của các công ty dầu mỏ trong chiến dịch vận động tranh cử, Warren G. Harding, Thượng nghị sĩ bang Ohio chiến thắng rồi trở thành Tổng thống Mỹ. Đến năm 1921, Tổng thống Harding bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Albert Fall, bang New Mexico làm Bộ trưởng Nội vụ. Không lâu sau đó, Albert Fall thuyết phục Tổng thống Harding ký sắc lệnh chuyển giao quyền kiểm soát 3 mỏ dầu Teapot Dome, Elk Hill và Buena Vista từ Hải quân sang Bộ Nội vụ dù gặp phải nhiều phản đối của các tướng lĩnh Hải quân. Sau khi nắm quyền kiểm soát 3 mỏ dầu này, Albert Fall tiến hành “đi đêm” với các đại gia dầu khí. Theo đánh giá của các nhà địa chất, 3 khu mỏ nói trên có trữ lượng khoảng 2,1 tỉ thùng.
Những mờ ám trong hoạt động khai thác dầu mỏ đã khiến Thượng viện Mỹ mở một cuộc điều tra. Theo tờ Wall Street Journal: “Đây là cuộc điều tra tội phạm quan trọng nhất trong lịch sử Thượng viện”. Trước những diễn biến bất lợi với những chứng cứ ngày càng rõ ràng, tháng 1-1923, Albert Fall từ chức Bộ trưởng Nội vụ rồi quay sang làm môi giới cho những hợp đồng khai thác dầu của Công ty Mammoth ở Liên Xô và Mexico. Những dính lính đến người bạn Albert Fall, Tổng thống Harding có khả năng phải điều trần trước Quốc hội, tuy nhiên việc này đã không xảy ra do ông đã bị chết vì nhồi máu cơ tim. Người kế nhiệm ông là Tổng thống Calvin Coolidge đã nỗ lực làm trong sạch bộ máy và mở cuộc điều tra diện rộng về các thương vụ dầu mỏ dưới thời Bộ trưởng Nội vụ Albert Fall. Kết quả cho thấy Công ty Doheny đã cho Albert Fall vay 100.000 USD (tương đương 1.700.000 USD hiện nay) không tính lãi và từ số tiền này, Albert Fall đã mua một trang trại khổng lồ ở New Mexico. Tòa tối cao Mỹ kết tội Albert Fall nhận hối lộ 100.000 USD và hình phạt là 1 năm tù đồng thời phải nộp lại số tiền nêu trên. Theo tờ Wall Street Journal, mặc dù số tiền tham nhũng trong vụ này không lớn, nhưng sự lũng đoạn chính trị bởi các đại gia trong ngành dầu khí với quan chức chính phủ là chuyện lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử nước Mỹ. Nó đã dẫn đến việc cải tổ luật pháp một cách sâu rộng nhằm ngăn chặn những “liên minh ma quỷ” xuất hiện trên chính trường…
3. Bộ đôi quyền lực Trung Quốc Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang
Bạc Hy Lai là con trai của một nhà lão thành cách mạng, sự nghiệp của ông lên như diều gặp gió. Ông được xem là một ứng cử viên tiềm năng cho Ban thường vụ bộ chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 (2012), đồng thời cũng là 1 trong những người khả năng kế nhiệm Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Là đối tượng nằm trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, những hành vi tham nhũng khủng khiếp của Bạc Hy Lai nhanh chóng bị bóc trần. Ngày 22.9.2013, tòa án nhân dân thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc đã ra phán quyết tù chung thân và tước quyền tham gia các tổ chức chính trị với những tội danh nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, lạm quyền đối với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Cụ thể, Bạc bị cáo buộc nhận hối lộ 21,79 triệu Nhân dân tệ (tương đương 3,55 triệu USD), biển thủ công quỹ 5 triệu NDT và lạm dụng quyền lực để can dự vào cuộc điều tra vụ vợ ông này giết hại thương nhân người Anh Neil Heywood hồi tháng 11/2011. Vụ xét xử Bạc đã gây chấn động không chỉ dư luận trong nước mà còn cả truyền thông quốc tế. Vụ việc “con hổ” Bạc Hy Lai bị diệt báo hiệu việc “ngã ngựa” sau này của con hổ khác là Chu Vĩnh Khang.
Chu Vĩnh Khang được biết đến là ông trùm an ninh, đồng minh thân cận của Bạc Hy Lai. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Công an, từng giữ chức trong Ban thường vụ bộ chính trị lần thứ 17 và chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương từ năm 2007 đến năm 2012. Với cương vị và quyền lực trong tay, Chu và gia đình đã tham nhũng một cách trắng trợn. Tổng tài sản nhà họ Chu nắm giữ có giá trị khoảng 90 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 14,5 tỷ USD. Con trai, chị em dâu và thông gia của gia đinh ông nắm giữ khoảng 1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 160 triệu USD, phần lớn là từ ngành dầu khí Trung Quốc.
Ngoài ra, Chu Vĩnh Khang còn bị cáo buộc chủ mưu chỉ đạo 5 mạng lưới tham nhũng gồm mạng lưới ở tỉnh Tứ Xuyên, trong ngành dầu khí, ngành công an, mạng lưới các thư ký và mạng lưới gia đình, họ hàng. Ngày 11/6/2015, Chu Vĩnh Khang bị kết án chung thân với những tội danh nhận hối lộ, lạm quyền và để lộ bí mật quốc gia. Với cương vị đó, ông là chính là con hổ lớn nhất sa lưới “Đả hổ diệt ruồi” của chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời cũng là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc bị đưa ra xét xử từ những năm 1980 tới nay. Đây cũng là vụ án tham nhũng lớn nhất trong 70 năm thành lập nước CHDCND Trung Hoa.
4. Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva
Luiz Inacio Lula da Silva là tổng thống thuộc tầng lớp lao động đầu tiên ở Brazil, nắm quyền trong giai đoạn 2003-2011. Ông được hầu hết người dân Brazil yêu mến bởi tính kỷ luật tự giác và là người chống tham nhũng quyết liệt, ngay cả với người thân. Tuy nhiên, dư luận Brazil đã cực kì sốc trước việc vị chính trị gia này bị truy tố tội tham nhũng.
Theo các công tố viên Brazil, ông Lula bị cáo buộc nhận 3,7 triệu real (1,2 triệu USD) tiền hối lộ từ công ty kỹ thuật OAS SA. Số tiền này được OAS SA dùng để tân trang một căn hộ ở bãi biển cho ông Lula, đổi lại công ty này được hỗ trợ giành các hợp đồng từ tập đoàn dầu khí nhà nước Petrobras. Các công tố viên còn cáo buộc ông Lula đứng sau nạn tham nhũng kéo dài, mà sau đó đã bị phanh phui trong một cuộc điều tra về các khoản lại quả liên quan đến Petrobras. Ngày 12.7.2017, tòa án sơ thẩm kết án ông gần 10 năm tù giam.
5. Cựu Tổng thống Philippines Joseph Estrada
Ngày 11/9/2013, cựu Tổng thống Philippines Joseph Estrada (giữ chức tổng thống từ 1998 đến 2001) đã bị cáo buộc có hành vi tham nhũng ngay trong cung điện. Ông Joseph Estrada bị tố đã nhận số tiền trị giá khoảng 11,7 triệu USD tiền bảo kê từ Luis “Chavit” Singson - Thống đốc tỉnh Manila. Ông cũng bị cáo buộc đã ép các hệ thống an sinh xã hội mua cổ phiếu để ông nhận được khoản tiền hoa hồng lên tới 4,7 triệu USD; nhận hối lộ các sòng bạc và biến tiền thuế thành tài sản cá nhân.
Do chưa thu thập đủ chứng cứ nên vụ án tham nhũng của Joseph Estrada đã phải kéo dài sáu năm. Sau đó, mặc dù thoát khỏi án tử hình nhưng Joseph Estrada cũng phải nhận tù chung thân. Ngoài ra, vị cựu tổng thống còn bị tuyên phạt 15,5 triệu USD, tịch thu một khu biệt thự mà ông đã mua bằng tiền hối lộ.
Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước
Xa xưa! Từ thời Hy Lạp cổ đại, các quan chức tham nhũng hay nhận hối lộ sẽ bị tước quyền công dân và quyền tham gia chính trị. Thậm chí, ở thế kỷ XI, các quan chức tham nhũng bị làm cho mù mắt và bị làm tê liệt chức năng đàn ông (bị thiến), đồng thời bị đi đày ải. Vậy thời đại ngày nay, các quốc gia đã làm gì để điều trị “căn bệnh trầm kha này? Sau đây là một số giải pháp hay được một số nước áp dụng trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Kinh nghiệm của Singapore
Singapore nổi tiếng với nền văn hóa “phi tham nhũng,” ở đó công chức “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng”.
Vậy quốc gia Đông Nam Á hải đảo này đã có chiến lược gì để trở thành nhóm những quốc gia có mức độ thấp nhất thế giới? Đó là sự quyết đoán và mạnh mẽ của giới lãnh đạo, biện pháp nghiêm khắc và chế độ ưu đãi làm việc tốt. Singapore đã áp dụng những biện pháp mang tính thể chế để loại bỏ tham nhũng. Một trong những nỗ lực quan trọng nhất là thành lập Cơ quan điều tra tham nhũng (CPIB) với tư cách là cơ quan chống tham nhũng độc lập. Giới lãnh đạo chính trị quốc gia này luôn tâm niệm “luôn tự đặt mình làm gương cho công chức, từ bỏ các mối quan hệ kinh tế, thể hiện đạo đức công vụ cao, tránh bất kỳ những hành vi nào có thể hiểu là lạm dụng chức vụ và không khoan nhượng đối với những hành vi tham nhũng. Đặc biệt, một phần quan trọng trong chiến lược của Chính phủ Singapore là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng: cải thiện liên tục tiền lương và điều kiện làm việc.
Kinh nghiệm của Hà Lan
Để trở thành nhóm những quốc gia có mức độ tham nhũng thấp nhất thế giới, Hà Lan đã xây dựng và thực hiện hiệu quả hệ thống các biện pháp cảnh báo và phòng chống tham nhũng hoàn chỉnh. Hà Lan đã tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý những lĩnh vực có thể phát sinh hành vi tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những công chức làm việc trong các lĩnh vực đó; đồng thời tổ chức các cuộc tuyển chọn chặt chẽ và nghiêm khắc công chức vào những chức vụ có điều kiện dẫn đến hành vi tham nhũng.
Ngoài ra, quốc gia này cũng xây dựng hệ thống chuyên trách để giáo dục và tập huấn công chức nhằm giúp họ nhận thức rõ tác hại của các hành vi tham nhũng đối với lợi ích quốc gia; thực hiện chế độ thường xuyên báo cáo và công khai hóa các vụ việc trong quá trình phát hiện tham nhũng và trừng phạt các hành vi tham nhũng.
Kinh ngiệm của Hàn Quốc
Hàn Quốc là quốc gia rất coi trong côn tác phòng, chống tham nhũng. Quốc gia này nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính và minh bạch nhằm triệt tiêu căn bệnh tham nhũng.
Một số giải pháp hữu hiệu được Hàn Quốc thực hiện là: tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho công chúng về phòng, chống tham nhũng trên cơ sở đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào hệ thống sách giáo khoa, tăng cường chương trình giảng dạy về chống tham nhũng trong các trường học và các cơ quan, tổ chức khu vực công; tiến hành các chiến dịch, phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ nhằm thay đổi tư duy của công chúng về vấn đề tham nhũng; tăng cường hợp tác quốc tế về chống tham nhũng; thành lập Trung tâm thông tin về tham nhũng, lập “Quỹ chống tham nhũng” và tổ chức diễn đàn của công chúng về phòng, chống tham nhũng; ban hành Bộ Quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức; cải thiện chế độ tiền lương và thực hiện các chính sách liên quan đến quyền lợi cho cán bộ, công chức. Bên cạnh việc xây dựng Luật Đạo đức công vụ, Luật Hành vi ứng xử đối với cán bộ, công chức và các quy định về đăng ký tài sản của cán bộ, công chức, Chính phủ Hàn Quốc còn ban hành Quy định về kê khai và công khai tài sản của cán bộ, công chức nhằm ngăn ngừa cán bộ, công chức tích tụ tài sản bất hợp pháp.
Kinh nghiệm của CHLB Đức
Một trong những giải pháp được chính phủ Đức triển khai nhằm phòng chống tham nhũng là đặt ra quy định công chức nhà nước không được phép hoạt động kinh doanh tư nhân hoặc hoạt động kinh doanh thông qua những người được ủy quyền, cũng như người thân trong gia đình. Những quy định này được Chính phủ ban hành kèm theo các nghị định có giá trị pháp lý, trong đó quy định rõ: hoạt động nào được coi là công vụ hoặc tương đương với công vụ; công chức nhà nước nào có quyền nhận thù lao hoặc tiền thưởng do các hoạt động ngoài công vụ; quy định giá trị tiền thưởng hằng năm đối với các loại hình công chức khác nhau và chế độ thanh quyết toán. Nếu sau khi nghỉ hưu, công chức nhà nước tiếp tục làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến hoạt động công vụ của họ trong vòng 5 năm trước khi nghỉ việc, họ phải báo cáo rõ ràng và minh bạch về công việc đó với cơ quan, trước khi rời nhiệm sở. Cơ quan quản lý cấp trên cấm các công chức sau khi nghỉ hưu làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ gây thiệt hại đối với lợi ích công vụ mà họ từng đảm nhiệm trước đó.
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc nổi tiếng với chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn và quyết liệt với tên gọi “đả hổ, diệt ruồi”. Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một khung chiến lược chống tham nhũng chặt chẽ và toàn diện gồm cả khu vực công và tư, đồng thời từng bước hình thành các cơ chế chống tham nhũng hiệu quả dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia.
Trung Quốc đã đề ra những biện pháp như giáo dục tư tưởng chính trị và tác phong liêm chính trong toàn Đảng; kiện toàn hệ thống pháp quy về xây dựng tác phong liêm chính trong các cấp ủy Đảng, chính quyền; xây dựng chế độ giám sát quyền lực; yêu cầu các quan chức nhà nước từ cấp phó ở huyện công khai các thông tin cá nhân, bao gồm kê khai tài sản; tăng cường bảo vệ và thưởng nhiều tiền hơn cho những người cung cấp thông tin và tố giác các vụ tham nhũng.
Với tinh thần không khoan nhượng, kiên quyết trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng, cho dù đó là ai, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc rất hiệu quả, nhiều “hổ lớn” trong giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc bị ngã ngựa.
Kinh nghiệm của Đan Mạch
Đan Mạch sử dụng báo chí làm công cụ quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Tại Đan Mạch, báo chí có quyền lực rất lớn, giám sát cả ba nhánh quyền lực là lập pháp, hành pháp, tư pháp. Báo chí Đan Mạch, một mặt được ví như “con chó canh cửa, giữ nhà” cho tự do, dân chủ, nhân quyền của xã hội và môi trường sinh thái của đất nước. Mặt khác, được coi là “con chó săn” đào bới, tìm kiếm những sai phạm của các nhà lập pháp, hành pháp, tư pháp và công dân.
Như vậy có thể thấy, tham nhũng là căn bệnh trầm kha, là vấn nạn nghiêm trọng mà rất nhiều quốc gia phải đương đầu. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng gọi nạn tham nhũng là “giặc nội xâm,” gây ra nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế của đất nước và lợi ích của nhân dân. Để phòng chống và tiêu diệt căn bênh này cần phải có hệ thống pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh, xây dựng nhà nước, chính phủ minh bạch, liêm chính. Bởi công khai, minh bạch và sự nghiêm khắc chính là liều thuốc hữu hiệu nhất của căn bệnh tham nhũng. Việc nghiên cứu, học hỏi và tiếp thu những giải pháp của thế giới trong cuộc chiến chống tham nhũng là rất cần thiết, là những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong nỗ lực thực hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng./.