Nhanh chóng khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất nông nghiệp sau mưa lớn

Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 22 - 24/5 vừa qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Tường. Do đó, công tác khắc phục thiệt hại đang được người dân và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai để ổn định sản xuất.

Nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường bị ngập sâu trong nước

Nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường bị ngập sâu trong nước

Có mặt tại cánh đồng sản xuất lúa ở xã Đại Đồng, chúng tôi ghi nhận nhiều diện tích lúa mới trổ và đang chín của người nông dân bị ngã rạp, ngập sâu trong nước.

Bà Lương Minh Tuyến, khu 1, xã Đại Đồng chia sẻ: “Trong vụ lúa này, gia đình tôi trồng 4 sào lúa, nhưng những trận mưa lớn bất thường trong 3 ngày qua đã khiến 2 sào lúa của gia đình tôi bị ngập úng, có khả năng phải bỏ hoàn toàn. Để vớt vát những cây lúa còn lại, chúng tôi phải dùng dây bó từng bó lúa đối với một số diện tích vừa trổ.

Như mọi năm, trung bình 1 sào lúa của gia đình tôi sẽ cho thu hoạch 4 tạ lúa tươi thế nhưng đợt mưa vừa rồi khiến nhiều diện tích lúa của gia đình tôi bị ngã đổ, ngâm trong nước nên kém phát triển, lép hạt, thậm chí phải bỏ hoàn toàn”.

Tại xã Bình Dương, ngoài diện tích lúa bị ảnh hưởng, đợt mưa lớn vừa qua còn khiến hơn 30 ha diện tích rau màu trên địa bàn xã bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng.

Sau khi nước rút tại đây, nhiều nông dân đã chủ động ra đồng cày xới, vệ sinh đồng ruộng. Quan sát thực tế, các giống cây, rau màu đang sinh trưởng như hành lá, rau thơm các loại, lạc… có khả năng bị héo rũ, thối rễ do bị ngâm lâu trong nước.

Bà Nguyễn Thị Uyên, thôn Yên Thịnh bày tỏ: “Hiện nay, 3 sào lạc của gia đình tôi mới trồng hơn 2 tháng nhưng phải thu hoạch sớm hơn 1 tháng do bị ngâm nước lâu, cây lạc không thể phát triển. Cũng bởi thu hoạch sớm nên lạc bây giờ chỉ có thể luộc chứ không phơi khô được, giá thành của lạc từ đó cũng bị sụt giảm. Thông thường, 1kg lạc phơi khô được bán với giá từ 30-40 nghìn đồng/kg nhưng nay 1kg lạc tươi chỉ có giá 15 nghìn đồng/kg”.

Tại nhiều cánh đồng trên địa bàn xã Bình Dương, người nông dân khẩn trương thu hoạch các loại hoa màu như lạc, đỗ… và bán với giá thành rẻ

Tại nhiều cánh đồng trên địa bàn xã Bình Dương, người nông dân khẩn trương thu hoạch các loại hoa màu như lạc, đỗ… và bán với giá thành rẻ

Được biết, đây là mùa vụ chính trồng lạc nhưng bà Uyên cùng nhiều nông dân trong vùng phải chấp nhận mất giá hay nguy cơ mất trắng. Thời điểm hiện tại cũng đã qua mùa vụ trồng lạc nên không thể tiếp tục trồng cây mới, người nông dân phải trồng các loại rau khác để phục hồi sản xuất.

Trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền xã Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng nhanh chóng triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa lớn; hỗ trợ nông dân theo dõi, thực hiện theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chăm sóc cây trồng để giảm thiểu thiệt hại.

Theo thống kê toàn huyện, trong đợt mưa lớn kéo dài đã làm hơn 1.980 ha lúa đang trổ bị ngập úng, ngã đổ và có khả năng hư hỏng; 430ha rau, hoa màu bị ngập, dập; 133ha nuôi trồng thủy sản bị trôi.

Cụ thể, các xã Chấn Hưng, Đại Đồng, Kim Xá là những địa phương bị thiệt hại nặng nhất với hơn 200 ha diện tích lúa, rau màu bị ngập. Còn các xã Vũ Di, Yên Lập, Yên Bình, diện tích nuôi trồng thủy sản bị trôi lên đến hàng chục ha.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Thanh Bằng cho biết: “Trước diễn biến bất thường của thời tiết, phòng đã tham mưu với UBND huyện các giải pháp khắc phục hậu quả do mưa lớn, phục hồi sản xuất nông nghiệp, đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương tiêu úng cứu lúa và rau màu.

Theo đó, tất cả các trạm bơm có chức năng tiêu úng trên địa bàn đều được sử dụng hết công suất, huy động thêm các máy bơm dã chiến và bố trí nhân công theo dõi tất cả các tuyến kênh tiêu, cống đầu kênh để bảo đảm việc tiêu thoát nước nhanh chóng.

Đối với các điểm xung yếu là các xã vùng trũng như Lũng Hòa, Vĩnh Sơn, Nghĩa Hưng, huy động nhân dân, cán bộ ra đắp bờ be, bơm nước ra ngoài, tránh tràn ngập vào những cánh đồng có nguy cơ ngập úng, thấp hơn mực nước sông Phan.

Cùng với đó, chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện khẩn trương thu hoạch hết lúa chủ động bảo vệ diện tích cây mùa vụ đã gieo trồng. Huyện cũng tích cực tuyên truyền để người nông dân chủ động trong sản xuất, đối với những diện tích rau màu bị hỏng, khẩn trương vệ sinh đồng ruộng để gieo trồng lại; linh hoạt trong việc chọn giống rau màu ngắn ngày, phù hợp với thời tiết để đạt hiệu quả canh tác”.

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77759/nhanh-chong-khac-phuc-hau-qua-phuc-hoi-san-xuat-nong-nghiep-sau-mua-lon.html