Nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đưa Luật Biên phòng Việt Nam vào cuộc sống

Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) (Luật số 66/2020/QH14) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 11-11-2020; Chủ tịch nước ký Lệnh về việc công bố luật (số 11/2020/L-CTN) ngày 25-11-2020; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022. Việc nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để đưa Luật BPVN vào cuộc sống có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Bình Thuận phối hợp với các lực lượng tuần tra bảo vệ khu vực biên giới biển. Ảnh: Trung Thành

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Bình Thuận phối hợp với các lực lượng tuần tra bảo vệ khu vực biên giới biển. Ảnh: Trung Thành

Luật BPVN gồm 6 chương, 36 điều, quy định về chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; bảo đảm biên phòng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Luật BPVN ra đời là sự thể chế hóa, các chủ trương, quan điểm, tư duy mới đầy đủ, Đảng về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia “từ sớm, từ xa”, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; đồng thời, từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý về biên phòng.

Luật BPVN được thông qua với số phiếu tán thành cao (94,61% tổng số tại biểu tán thành) là sự ghi nhận của các đại biểu Quốc hội, các cấp, các ngành và nhân dân về biên phòng, những đóng góp của BĐBP đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cũng như các yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi trong thời gian tới.

Biên phòng luôn là vấn đề trọng yếu của đất nước. Từ xa xưa, vua Lê Thái Tổ đã khẳng định: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an”; được dịch là: “Biên phòng cần có phương lược tốt/ Giữ nước nên lo kế lâu dài”. Theo Luật BPVN, biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới (KVBG) bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Trước bối cảnh, thế giới những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình chính trị, an ninh thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực; thiên tai, thảm họa môi trường, dịch bệnh khó lường.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo thời cơ và thách thức cho tất cả các nước. Đối với nước ta, những năm tới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh chống phá ta về nhiều mặt, trong đó, địa bàn biên giới là một trọng điểm.

Nhiều địa phương biên giới, tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc còn thấp. Tình trạng di cư tự do, xuất, nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp; một số loại tội phạm, đặc biệt là về ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát; tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường. Vấn đề quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển có nhiều khó khăn, thách thức.

Do đó, Luật BPVN được Quốc hội thông qua, là hành lang pháp lý quan trọng, vững chắc, điều kiện thuận lợi để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng có liên quan (trong đó có BĐBP) và mọi công dân thực hiện nhiệm vụ biên phòng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự ở KVBG, xây dựng KVBG vững mạnh. Để nhanh chóng cập nhật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đưa Luật BPVN vào cuộc sống, đòi hỏi thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, cơ quan có trách nhiệm soạn thảo của BĐBP chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan cần tham mưu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các văn bản thực hiện như: Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật BPVN, chỉ thị, hướng dẫn thực hiện của Bộ Quốc phòng; các nghị định của Chính phủ về hướng dẫn và thi hành một số điều của luật cũng như thông tư của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện nghị định của Chính phủ. Thực hiện đúng quy trình và thẩm quyền xây dựng, ban hành theo quy định. Đặc biệt, khi xây dựng các nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, cần tranh thủ ý kiến đóng góp của các cấp, bộ, ngành liên quan và nhân dân trước khi đề xuất, báo cáo trình cấp có thẩm quyền ký, ban hành.

Hai là, các cấp BĐBP chủ động báo cáo, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đưa Luật BPVN nhanh đến với các cấp, các ngành, lực lượng và người dân cả nước. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục như: Biên soạn, phát hành tài liệu, tranh ảnh, tờ rơi, khẩu hiệu cổ động, ấn phẩm; tổ chức tập huấn, báo cáo viên, thi tìm hiểu; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, mạng xã hội. Phải để các nội dung của Luật BPVN đến với mọi người nhanh nhất, thuận tiện nhất, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Ba là, đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức tốt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật BPVN theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Gắn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và triển khai thi hành luật với thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương mình. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về biên phòng thuộc phạm vi phụ trách. Đồng thời, có kế hoạch đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, huy động nguồn nhân lực, phục vụ nhiệm vụ biên phòng theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Bốn là, các tổ chức, đoàn thể có liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật BPVN cho thành viên của mình; tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là nhân dân ở KVBG nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG. Chủ động và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại nhân dân, nhất là với nhân dân ở KVBG của 3 nước láng giềng là Trung Quốc, Lào, Campuchia, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Năm là, với mỗi công dân, tùy theo khả năng, điều kiện hoàn cảnh, luôn phát huy và nêu cao ý thức trách nhiệm trong tiếp thu và thực hiện Luật BPVN. Bảo vệ biên giới quốc gia là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; do đó, ngoài tích cực tham gia phối hợp, cộng tác, giúp đỡ các lực lượng, ban, ngành trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng, cần giám sát các hoạt động này. Đặc biệt, mỗi người dân ở KVBG nêu cao trách nhiệm tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, thực hiện tốt các phong trào bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, thực sự là những “cột mốc sống” trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Sáu là, Học viện Biên phòng và các nhà trường trong BĐBP; các học viện, nhà trường khác có chuyên ngành đào tạo, nội dung giảng dạy liên quan đến biên phòng, cần cập nhật các quy định của Luật BPVN để điều chỉnh, bổ sung vào nội dung, chương trình đào tạo, bài giảng cho phù hợp. Chủ động định hướng nghiên cứu làm sâu sắc hơn nội hàm và nội dung mới, những vấn đề khoa học được thể hiện trong luật như: Nhiệm vụ biên phòng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, dự báo sự tác động, ảnh hưởng của tình hình liên quan, từ đó đề xuất các chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động biên phòng trong thời gian tới.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Huệ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhanh-chong-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-dua-luat-bien-phong-viet-nam-vao-cuoc-song-post436433.html