Nhập khẩu bạch kim của Trung Quốc từ Nga tăng mạnh
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong hai tháng 1-2/2023, nhập khẩu bạch kim của nước này từ Nga tăng 279 lần so với cùng kỳ năm ngoái về khối lượng (từ 5,99 kg lên 1,67 tấn), và tăng 265 lần về giá trị (từ 0,2 triệu USD lên 53 triệu USD).
Khối lượng nhập khẩu palladium từ Nga tăng 8,5 lần (từ 0,32 tấn lên 2,72 tấn) và về giá trị tăng 5,6 lần (từ 27 triệu USD lên 152 triệu USD).
Nguồn cung của một kim loại nhóm bạch kim khác là rhodium, giống như palladium, được sử dụng trong sản xuất chất xúc tác cho các mục đích khác nhau, tăng 7 lần về khối lượng (từ 26,2 kg lên 0,19 tấn), và 6 lần về giá trị (từ 13 triệu USD lên 76 triệu USD).
Năm 2022, xuất khẩu bạch kim của Nga sang Trung Quốc giảm 33%, xuống còn 8,99 tấn và giảm gần một nửa về giá trị, xuống còn 280,1 triệu USD, trong khi xuất khẩu palladium tăng 43%, lên 9,03 tấn và tăng 23,6%, lên 583,8 triệu USD về giá trị và rhodium tăng 67%, lên 0,52 tấn và tăng 13%, lên 238,5 triệu USD về giá trị.
Nga nắm giữ 40% thị trường palladium toàn cầu. Nhà sản xuất kim loại nhóm bạch kim lớn nhất của Nga là Norilsk Nickel. Đồng sở hữu lớn nhất và là Chủ tịch của Norilsk Nickel, Vladimir Potanin, vào tháng 7/2022, trong một cuộc phỏng vấn cho biết do lệnh trừng phạt của phương Tây, công ty buộc phải chuyển hướng một phần nguồn cung sang thị trường châu Á và các nước thân thiện khác. Ông cho biết một chuỗi cung ứng thay thế được xây dựng thông qua cảng Tangier ở Morocco (Ma-rốc). Họ chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường Đông Nam Á.
Cho đến năm ngoái, châu Âu và Mỹ chiếm hơn 2/3 số lô hàng palladium của Norilsk Nickel. Nhưng sau khi loại các nhà máy tinh chế của Nga, nơi công ty xử lý nguyên liệu thô thành pa-la-đi tinh luyện, khỏi danh sách của Hiệp hội kim loại nhóm bạch kim London vào tháng 4/2022, công ty buộc phải chuyển hướng một phần nguồn cung sang các nước khác.
Doanh thu xuất khẩu kim loại của Norilsk Nickel đã giảm 6% trong năm 2022, xuống còn 16,7 tỷ USD, nhưng tỷ trọng của châu Á trong tổng doanh thu đã tăng từ 27% lên 31%, trong khi tỷ trọng của châu Âu giảm từ 53% xuống 47%, còn của Nam và Bắc Mỹ vẫn ở mức 15%.