Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất tăng cao, xuất khẩu dự báo tiếp tục khởi sắc

Xuất nhập khẩu hàng hóa dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới bởi kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất đang tăng mạnh trong nửa đầu năm.

Đây là các mặt hàng được các doanh nghiệp tăng nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu cuối năm.

Đơn cử, theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nguyên phụ liệu, dệt may, da giày tính đến hết tháng 6 đạt 14,71 tỷ USD, tăng 8,7% (tương ứng tăng 1,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may tăng mạnh (Ảnh minh họa)

Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may tăng mạnh (Ảnh minh họa)

Trung Quốc là thị trường cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày lớn nhất cho Việt Nam trong 6 tháng qua với kim ngạch lên đến 7,76 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 53% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc) với 1,4 tỷ USD; Hàn Quốc với 1,3 tỷ USD; Hoa Kỳ với 961 triệu USD…

Ở nhóm nhiên liệu (than, dầu thô, xăng dầu), trong tháng 6, cả nước đã nhập khẩu 8,4 triệu tấn nhiên liệu, tổng kim ngạch đạt 2,11 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu 47,25 triệu tấn, tổng kim ngạch đạt 13,88 tỷ USD, tăng 29,9% về lượng và tăng 14,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, than các loại đạt 33,43 triệu tấn, tăng 38,6%; dầu thô đạt 6,81 triệu tấn, tăng 16,1%; xăng dầu các loại đạt 5,44 triệu tấn, tăng 4,3%. Lượng nhiên liệu nhập khẩu chủ yếu từ các thị trường: Indonesia đạt 14,34 triệu tấn, tăng 60%; Australia đạt 8,2 triệu tấn tấn, giảm 23%; Kuwait đạt 6,1 triệu tấn, tăng 23,2%...

Nửa đầu tháng 7 (1-15/7), tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 16,26 tỷ USD. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 7, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/7 lên con số 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD).

Nếu duy trì kết quả đạt được như 6 tháng đầu năm, năm 2024, quy mô kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể lập được kỷ lục mới là 380 tỷ USD, thập chí vượt con số này.

Kỳ vọng này là có sở bởi xuất khẩu 6 tháng cuối năm thường cao hơn hoặc ít ra cũng tương đương kim ngạch của nửa đầu năm.

Đơn cử như 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 164,68 tỷ USD, thấp hơn 25,32 tỷ USD so với 6 tháng cuối năm.

Trong năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023, cán cân thương mại thặng dư dự kiến khoảng 15 tỷ USD.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhap-khau-nguyen-lieu-san-xuat-tang-cao-xuat-khau-du-bao-tiep-tuc-khoi-sac-335175.html