'Nhập nhèm' nguồn gốc xuất xứ, Sở Y tế Sơn La đổ lỗi do soạn thảo văn bản
Cách giải thích 'do lỗi soạn thảo văn bản' trong thời gian qua không còn là chuyện mới, thậm chí nó đã trở thành bài học thuộc lòng cho một bộ phận không nhỏ 'chữa cháy' khi bị phản ánh. Và nội dung giải thích trong văn bản số 2045/SYT-TTr của Sở Y tế tỉnh Sơn La cũng không phải là ngoại lệ.
Bài liên quan
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La ký thông báo “không trung thực”
Trước đó, ngày 8/10/2020, báo Nhà báo & Công luận đã có bài viết: Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La ký thông báo “không trung thực”, liên quan đến quá trình mua sắm trang thiết bị y tế mua sắm bằng hình thức xã hội tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu. Trong đó, bài viết nhấn mạnh về việc bà Nguyễn Thị Kim An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La ký thông báo số 643/TB-SYT, ngày 3/10/2019, khẳng định: Trang thiết bị y tế mua sắm bằng hình thức xã hội hóa có 1 máy chụp cắt lớp xuất xứ từ Đức.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La nên nhận trách nhiệm thay cho việc đỗ lỗi "do soạn thảo văn bản..."
Tuy nhiên, sau khi xác minh thông tin liên quan, qua so sánh đối chiếu với các chỉ số thông tin thể hiện trên máy chụp cắt lớp đang được đặt và sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu mà Sở Y tế tỉnh Sơn La xác nhận có nguồn gốc xuất xứ từ Đức, nhưng thực chất là máy có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Sở Y tế đã có văn bản số 2054/SYT-TTr, do ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế ký về việc “trao đổi thông tin được đăng tải trên báo Nhà báo & Công luận”. Tuy nhiên, văn bản này không được Sở Y tế tỉnh Sơn La gửi cho báo Nhà báo & Công luận bằng đường chính thống mà thông qua ông Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu chuyển cho phóng viên qua Email.
Một phần của nội dung văn bản số 2054/SYT-TTr thể hiện: Theo hồ sơ Thanh tra, hệ thống máy chụp cắt lớp điện toán SOMTOM SCOPE có hãng sản xuất Siemens –CHLB Đức, xuất xứ từ Trung Quốc. Tại thông báo số 643/TB-SYT ngày 03/10/2019, “do lỗi soạn thảo văn bản đã ghi thành xuất xứ từ Đức”
Đưa vấn đề liên quan đến nội dung văn bản số 2054/SYT-TTr, của Sở Y tế tỉnh Sơn La giải thích về việc “do lỗi soạn thảo văn bản đã ghi thành xuất xứ từ Đức”, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế lắc đầu tỏ vẻ “ngao ngán” và cho rằng: Nếu các anh (PV) không kịp thời phát hiện phản ánh thì chắc chắn Sở Y tế tỉnh Sơn La vẫn khẳng định và trả lời Thanh tra Bộ Y tế đây là máy có nguồn gốc xuất xứ từ Đức. Sở Y tế tỉnh Sơn La đang cố tình “đánh tráo khái niệm” với cách giải thích khá "ngây ngô" khi biết đã sai nhưng không chịu nhận.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn đặt ra nhiều câu hỏi như: Ai là người soạn thảo văn bản? Họ soạn thảo văn bản xong không đọc lại à? Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La đặt bút ký mà không xem hay đọc kỹ à? Vậy cuối cùng trách nhiệm thuộc về ai? Với câu hỏi này chúng tôi xin dành câu trả lời cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La.
Liên quan đến vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế bằng hình thức xã hội hóa nhìn nhận thực tế này ở bình diện rộng hơn. Trước đó, Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đã từng đặt câu hỏi: Phải chăng có lỗ hổng trong cơ chế kiểm tra, kiểm soát, thanh tra vấn đề tự chủ của các cơ sở y tế? Nhiều năm qua, cơ chế kiểm tra, thanh tra của Bộ Y tế như thế nào? Phải bảo đảm cơ chế giám sát, hạn chế tối đa các tiêu cực có thể phát sinh.
Một số ý kiến khác cho rằng, mặt trái của chính sách xã hội hóa y tế hầu hết các bệnh viện công là đưa máy không đảm bảo chất lượng vào khám, điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, nếu không giải quyết rốt ráo thì những trường hợp trục lợi khác sẽ còn gây ra nhiều nhức nhối.
Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.