Nhập viện vì tổn thương gan sau 3 ngày uống trà thảo mộc, chuyên gia cảnh báo dù tốt nhưng không được dùng tùy thích

Khi đang điều trị bệnh, nếu sử dụng bất kỳ loại trà thảo dược nào, cũng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để tránh các tương tác không mong muốn, làm giảm hiệu lực điều trị.

Theo Insider, báo cáo về một ca bệnh được đăng trên tạp chí Khoa học Y khoa Cureus vừa qua cho biết, một người phụ nữ giấu tên (45 tuổi) bị đau bụng dữ dội và phải đi cấp cứu sau khi uống trà thảo mộc.

Bệnh nhân uống trà trong 3 ngày liên tiếp với mục đích cải thiện khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, sau khi uống, bà bị đau ở bụng trên và cảm thấy buồn nôn. Căn cứ kết quả xét nghiệm máu, các bác sĩ cho hay gan của bà bị tổn thương.

Người phụ nữ phải nhập viện trong 5 ngày và ngừng uống trà suốt thời gian nằm viện. Ba ngày sau đó, xét nghiệm máu cho thấy chức năng gan của bà được cải thiện và không còn xuất hiện các triệu chứng.

Khi xuất viện, các bác sĩ khuyên bà không được uống loại trà này. Ba tháng sau, họ cho biết các xét nghiệm máu về gan của bà đều bình thường.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, trà dược liệu là một dạng thuốc thang đặc biệt sử dụng dưới dạng nước hãm hoặc nước ngâm.

Đến nay, người ta công nhận trà có một số tác dụng như: giải nhiệt chống khát, lợi niệu giải độc, kích thích tiêu hóa, giảm mỡ máu, chống béo phì, cải thiện trí nhớ, chống viêm loét tiêu hóa, kháng khuẩn tiêu viêm, chống oxy hóa, giảm đường máu, dự phòng các bệnh lý mạch máu não, dự phòng hình thành sỏi tiết niệu, sỏi đường mật...

Các chuyên gia khuyến cáo, với những loại trà thảo dược không phải là rau trái ăn hàng ngày như: hoa sơn trà, hoa tam thất, giảo cổ lam, thìa canh, bá bệnh, hoàn ngọc, diệp hạ châu, nha đam, lược vàng… thì không nên sử dụng thường xuyên. Đây là các dược liệu có tính năng chữa bệnh nhất định, có thể đưa đến tình trạng mất cân bằng do tính vị (nóng, lạnh, đắng, cay…) của chúng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, có những loại trà dược phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia. Vì vậy để trà thảo dược phát huy hiệu quả cao nhất, cần sử dụng điều độ, không thái quá hay lạm dụng, tránh uống thường xuyên một loại trà đặc có thể ảnh hưởng xấu tới tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ sắt và vitamin B1...

Khi dùng phải chú ý kết hợp hợp lý, tùy tính chất, thể chất và giai đoạn bệnh tật. Không nên uống trà thảo dược ngay sau bữa ăn vì khi đến dạ dày, chất tanin trong trà sẽ làm protein trong thức ăn trở nên cứng...

Ngay cả những người có bệnh khi dùng trà dược cũng phải thật cẩn thận, dùng sai có thể bệnh nặng hơn. Trước khi dùng phải tham khảo bác sĩ điều trị trực tiếp để tránh tương tác không mong muốn. Với người không có bệnh, tùy tiện uống nhiều trà dược có thể bị ngộ độc dược chất.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nhap-vien-vi-ton-thuong-gan-sau-3-ngay-uong-tra-thao-moc-chuyen-gia-canh-bao-du-tot-nhung-khong-duoc-dung-tuy-thich-172230118092706107.htm