Nhật-Ấn có cái 'bắt tay vàng', gửi Trung Quốc trái đắng: Báo TQ vội nhắc nhở Tokyo một điều
Nikkei Asia Review dẫn lời các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết Nhật Bản và Ấn Độ sẽ hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Hành động này được cho là đối trọng lại với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc về mảng cơ sở hạ tầng viễn thông và kỹ thuật số.
Cái bắt tay hàng trăm triệu USD
Các quan chức cho biết hai chính phủ sẽ hỗ trợ giới thiệu mạng không dây 5G, cáp quang ngầm và các công nghệ khác từ các công ty Nhật Bản tới Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ hỗ trợ Nhật Bản việc bồi dưỡng các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số.
Hợp tác này liên quan đến các dự án với tổng giá trị hàng trăm triệu USD.
Công tác chuẩn bị đang được tiến hành để hai bên có thể ký kết một thỏa thuận toàn diện tại cuộc họp trực tuyến vào tháng 12 giữa Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Ryota Takeda và Bộ trưởng Viễn thông Ấn Độ Ravi Shankar Prasad. Các bộ trưởng nội các Nhật Bản chưa từng kí Biên bản ghi nhớ nào như vậy trước đây.
Sau cuộc đụng độ biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào tháng 6/2020, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra các biện pháp trả đũa liên quan đến lệnh cấm ứng dụng Trung Quốc tại nước này. Điều này khiến Ấn Độ thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực truyền thông.
Sự hợp tác sắp tới sẽ bao gồm việc sử dụng công nghệ 5G, phát triển công nghệ 6G. Hợp tác cũng bao gồm việc đặt đường cáp quang dưới biển. Hai chính phủ sẽ hỗ trợ các công ty Nhật Bản có đơn đặt hàng của Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi công bố kế hoạch đặt tuyến cáp quang biển kết nối đất liền Ấn Độ với quần đảo Lakshadweep. Công ty NEC (Nhật Bản) sắp hoàn thành việc xây dựng tuyến cáp ngầm cho nhóm đảo khác của Ấn Độ sẽ được 2 nước hỗ trợ để có được đơn hàng.
Về mảng 5G, Rakuren - công ty thương mại điện tử và Internet của Nhật Bản đang lên kế hoạch xuất khẩu mạng di động đám mây để giảm chi phí lắp đặt và vận hành. Công ty đã mở phòng thí nghiệm ở thành phố Bengaluru, miền Nam Ấn Độ để bán công nghệ cho các nhà mạng địa phương.
Công ty con của SoftBank HAPSMobile (Nhật Bản) cũng đang đàm phán với công ty viễn thông hàng đầu của Ấn Độ để bán các công nghệ viễn thông.
Trong năm tài chính hiện tại, một số công ty liên doanh của Nhật Bản (như Olympus và Đại học Showa) bắt đầu cung cấp cho các bệnh viện Ấn Độ phần mềm dựa trên trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ các bác sĩ phân tích hình ảnh nội soi ruột.
Hai nước cũng hợp tác trong việc đào tạo chuyên gia. Mặc dù Nhật Bản đang đẩy mạnh các nỗ lực củng cố an ninh và thúc đẩy số hóa các dịch vụ của chính phủ, nhưng vẫn thiếu các chuyên gia quen thuộc với công nghệ thông tin và các công cụ kỹ thuật số khác. Tokyo hy vọng sẽ có được sự giúp đỡ của Ấn Độ trong việc nâng cao trình độ chuyên gia.
Tầm quan trọng của việc Nhật Bản có được thị trường
Trung Quốc đang tăng cường quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng Sáng kiến Vành đai và Con đường. Các công ty Trung Quốc như Huawei đang củng cố sự hiện diện của họ trên thị trường viễn thông và cáp ngầm.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng loại bỏ các công ty Trung Quốc theo chương trình "mạng sạch". Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết Mỹ sẽ vẫn cứng rắn với Trung Quốc khi ông Joe Biden nhậm chức vào tháng 1 tới.
Ấn Độ là quốc gia nòng cốt, cùng với Nhật Bản, Mỹ và Úc trong chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" của Mỹ. Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh, việc Nhật Bản nắm giữ nền tảng cơ sở hạ tầng càng trở nên quan trọng.
Báo Trung Quốc nhắc Nhật Bản về mối quan hệ song phương mới khởi sắc
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngay sau đó đã có bài viết "nhắc khéo" Nhật Bản về mối quan hệ Tokyo-Bắc Kinh. Cụ thể, tờ báo cho biết, từ góc độ thuần túy doanh nghiệp, việc Nhật Bản thâm nhập thị trường viễn thông của Ấn Độ khẳng định sự tham gia của Tokyo trong cuộc đua 5G. Và đây là một điều tốt, dù nó có thể gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, tờ Hoàn Cầu cho rằng tâm lý đối đầu địa chính trị trong hợp tác viễn thông Nhật Bản - Ấn Độ là điều đáng lo ngại. Mong muốn hợp tác để kiềm tỏa sự phát triển của Trung Quốc không phù hợp với mối quan hệ thương mại kinh tế song phương đang trải qua quá trình chuyển đổi quan trọng từ cạnh tranh sang hợp tác của Bắc Kinh - Tokyo.
Tờ báo nhắc thành tựu của mối quan hệ thương mại này cần được trân trọng. Trung Quốc và Nhật Bản vừa nối lại chuyến công tác vào hôm 30/11 trong nỗ lực giảm bớt các hạn chế nhập cảnh và thúc đẩy hoạt động kinh tế, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.
Vào giữa tháng 11, Trung Quốc, Nhật Bản và 13 quốc gia khác đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực để hình thành khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, đánh dấu sự thiết lập thương mại tự do đầu tiên giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đương, hai nước còn có các thỏa thuận về hợp tác tại các thị trường thứ 3 trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, tài chính, hậu cần, bảo vệ môi trường, nông nghiệp hiện đại và thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, tờ Hoàn cầu cho rằng nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ kỷ lục 21.4% hàng năm trong quý III, phần lớn nhờ vào nhu cầu mạnh mẽ của nền kinh tế đang phục hồi của Trung Quốc đang phục hồi. Tất nhiên, giữa hai quốc gia vẫn tồn tại một số vấn đề. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, các chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc khó có thể không ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Hoàn cầu nhấn mạnh, hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế và thương mại có lợi cho việc tăng cường sự ổn định chiến lược của quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản. Vào thời điểm nhạy cảm này, bất cứ dấu hiệu nào của sự cạnh tranh địa chính trị sẽ có hại cho sự hợp tác giữa hai nước.
Bài báo kết luận sự mong muốn Nhật Bản sẽ quan tâm đến bức tranh rộng lớn hơn và thúc đẩy các mối quan hệ song phương theo đúng hướng.