Nhật Bản - Anh: Thúc đẩy cơ chế hợp tác
Nhật Bản và Anh đã nhất trí về hầu hết các vấn đề được đề xuất bởi Hiệp định Thương mại tự do song phương, sẵn sàng hoàn thiện ngay trong tháng 8 này để tiến hành các thủ tục phê chuẩn, đưa vào triển khai từ tháng 1-2021. Đây là thời điểm Anh chấm dứt tuân thủ các thỏa thuận thương mại của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả Hiệp định Đối tác kinh tế Nhật Bản - EU. Điều này cho thấy mong muốn của cả hai phía trong việc tạo ra một cơ chế mới nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.
Bộ trưởng Thương mại Anh E.Truss (bên trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản T.Motegi tại cuộc gặp ở London (Anh) cuối tuần qua.
Nỗ lực sớm hoàn tất hiệp định mới được cả hai bên thể hiện, thông qua việc Bộ trưởng Thương mại Anh Elizabeth Truss và Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi gặp gỡ trực tiếp tại London (Anh) cuối tuần qua, bất chấp những rủi ro từ dịch Covid-19. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu ngành Ngoại giao Nhật Bản kể từ khi đại dịch bùng phát.
Sau cuộc gặp, hai quan chức xác nhận London và Tokyo đã đạt được đồng thuận ở hầu hết các vấn đề chủ chốt. Trong đó, những lĩnh vực nhanh chóng tìm được tiếng nói chung là kỹ thuật số, thông tin và dịch vụ tài chính. Đây là điều dễ lý giải, bởi Anh đang muốn tăng cường hoạt động thương mại dữ liệu và kỹ thuật số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng dữ liệu tự do với Nhật Bản. Việc hai phía không gặp trắc trở trong thảo luận một phần bởi nội dung thỏa thuận thương mại mà Anh và Nhật Bản hướng tới có nhiều tương đồng với Hiệp định Đối tác kinh tế Nhật Bản - EU đã có hiệu lực từ tháng 2-2019.
Quá trình đàm phán diễn ra suôn sẻ cũng đến từ việc chính phủ hai nước nóng lòng triển khai những thỏa thuận mới nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực mà dịch Covid-19 và những căng thẳng địa - chính trị thế giới gây ra. Đáng chú ý, hiện Nhật Bản đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế, trong khi Anh đang đối mặt với tình trạng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tới 20% trong quý II-2020 và có thể giảm tới 9,5% cả năm 2020. Bởi vậy, việc thúc đẩy hợp tác càng có ý nghĩa khi Anh là đối tác thương mại lớn của Nhật Bản với kim ngạch song phương năm 2019 lên tới 38 tỷ USD. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 11 của Anh, trong khi London là thị trường xuất khẩu lớn thứ 12 của Tokyo.
Cùng với những lợi ích song phương, việc đạt được thỏa thuận thương mại chung sẽ là động lực và tiền đề quan trọng giúp Anh tiến tới tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 thành viên, trong đó có Nhật Bản. Thị trường chiếm khoảng 13% GDP của thế giới này sẽ là đầu ra mới cho hàng hóa Anh, trong bối cảnh “sân chơi” châu Âu bị thu hẹp.
Vướng mắc còn lại giữa hai nước là việc Nhật Bản mong muốn Anh bãi bỏ các khoản thuế đối với ô tô sớm hơn so với các cam kết trong Hiệp định Đối tác kinh tế Nhật Bản - EU. Theo đó, văn bản này quy định mức thuế 10% với ô tô từ Nhật Bản vào châu Âu sẽ được xóa bỏ 8 năm sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Về phần mình, London tìm kiếm điều chỉnh mới có lợi hơn cho ngành dịch vụ tài chính và công nghiệp dệt may, đồng thời thúc đẩy Tokyo thiết lập hạn ngạch miễn thuế đặc biệt đối với một số mặt hàng. Đây là điều buộc Nhật Bản phải cân nhắc vì ưu đãi cho hàng hóa Anh có thể khiến xứ Hoa anh đào phải thực hiện điều tương tự trong các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ.
Tuy vậy, với nhiều lợi ích gắn kết và sự đồng thuận cao, Anh và Nhật Bản gần như chắc chắn sẽ hoàn tất đàm phán, tiến tới triển khai Hiệp định Thương mại tự do mới từ đầu năm 2021. Sự kiện này nếu thành hiện thực cũng lập nên một kỷ lục mới khi lần đầu tiên hai quốc gia có thể hoàn tất đàm phán một Hiệp định Thương mại song phương chỉ trong vòng 3 tháng thay vì 4-5 năm như thường lệ.