Nhật Bản: Các trường học vất vả tổ chức hội thao cho học sinh trong mùa Covid-19
Ở Nhật Bản, việc tổ chức các buổi học cho học sinh trong mùa Covid-19 vốn dĩ đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức ngày hội thể thao cho học sinh còn vất vả hơn nhiều.
Các trường học ở Nhật Bản thường có thói quen tổ chức ngày hội thể thao vào mùa thu, thời điểm được coi là đẹp nhất trong năm. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, rất nhiều trường phải thực hiện một số điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế.
Năm nay, trường Tiểu học Takehara ở Gero, tỉnh Gifu, chỉ tổ chức hội thao trong nửa ngày, thay vì cả ngày như thường lệ. Để chuẩn bị cho hội thao, ngay từ sáng sớm, người nhà của học sinh bắt đầu đến trường và nộp phiếu kiểm tra sức khỏe có ghi tình trạng sức khỏe và nhiệt độ cơ thể của các em trong 5 ngày trước đó.
Nhằm tránh sự tiếp xúc gần gũi giữa các học sinh, nhà trường đã bãi bỏ cuộc thi lăn bóng lớn vì học sinh phải chạm trực tiếp vào quả bóng bằng tay, rất dễ lây nhiễm Covid-19. Thay vào đó, trường tổ chức cuộc thi để các em điều khiển một quả bóng lớn bằng hai cây gậy. Trong cuộc thi chạy tiếp sức, hình thức trao gậy cũng được điều chỉnh để thí sinh được an toàn trong quá trình thi đấu.
Phụ huynh học sinh được phát 2 miếng dán có hình logo của hội thao. Họ phải đeo những miếng dán này trước ngực áo thì mới được phép của BTC di chuyển vào khu vực khán đài để cổ vũ các con em của họ thi đấu, so tài. Các cổ động viên cũng được yêu cầu thay đổi hình thức cổ vũ so với năm ngoái. Họ sẽ không cổ vũ và hò hét như truyền thống mà sử dụng cờ và các công cụ gõ (clapper) để truyền lửa cho các vận động viên nhí.
Nước rửa tay sát khuẩn được đặt ở nhiều nơi khác nhau và trẻ em được yêu cầu đứng cách xa nhau khoảng 2 mét hoặc dang tay sang ngang, để thực hiện triệt để quy định giãn cách xã hội, trong khi xếp hàng chờ đến lượt so tài.
Cô bé Yuina Nakashima, 11 tuổi, học sinh lớp 6, thành viên trong Ban tổ chức hội thao, chia sẻ: "Tất cả chúng cháu đều nghĩ đến các biện pháp tránh tiếp xúc gần gũi và cùng nhau tạo ra một ngày hội thể thao mới".
Anh Takayuki Imai, 43 tuổi, người đứng đầu Hội phụ huynh của trường Takehara, người luôn theo sát cuộc so tài của cậu con trai lớp 6 của mình trong cuộc chạy tiếp sức, cho biết: "Các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy buồn nếu ngày hội thể thao không được tổ chức. Tôi muốn nhà trường tổ chức nó ngay cả khi sự kiện năm nay sẽ khác với những ngày hội thao bình thường trong những năm trước đây".
Tại thành phố Shizuoka, trường Trung học Cơ sở Shimizuojima đã tổ chức ngày hội thể thao vào một ngày trong tuần vào giữa tháng 10, ngay trong giờ học mà không cần mời thành viên gia đình hoặc người dân địa phương đến cổ vũ.
Học sinh thiết kế gậy chạy tiếp sức dài tới 1,5 mét để sử dụng trong khi thi đấu và Ban tổ chức yêu cầu các thí sinh phải vệ sinh kỹ càng sau khi nhận gậy chạy. Ngoài ra, thay vì tổ chức trò chơi tung bóng thông thường: học sinh ném bóng vào rổ trên cột cao cùng một lúc, nhà trường đã giới thiệu trò chơi bắt bóng mới, trong đó học sinh cầm một cây cột tre dài tới 3,5 mét có gắn một cái rổ dùng để bắt từng quả bóng do học sinh khác ném.
Cậu bé Miku Mochizuki, 14 tuổi, học sinh lớp 9 và là người đứng đầu Hội học sinh của trường, phát biểu: "Chúng cháu đã tạo ra một trò chơi mới với tâm lý lo ngại rằng các bạn học sinh chưa chắc đã thích sự thay đổi này. Nhưng mọi người đều rất thích và hào hứng tham gia trò chơi. Đây quả là điều tuyệt vời!".
Cô bé Aya Horiike, 14 tuổi, một học sinh lớp 9 khác và là Hội phó hội học sinh của trường cho biết: "Chúng cháu đã nghĩ ra những trò chơi có thể khiến tất cả học sinh nhận thức được sự cần thiết của việc giãn cách xã hội và giữ gìn vệ sinh trong mùa dịch".
Ông Daisuke Fujikawa, 55 tuổi, Giáo sư Đại học Chiba và là Hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở trực thuộc, nhấn mạnh rằng ngày hội thể thao "là cơ hội quan trọng để nuôi dưỡng khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề và làm việc cùng nhau".
Ông Fujikawa chia sẻ: "Năm nay, chúng tôi không thể mời được số lượng lớn khán giả đến sân cổ vũ để tránh lây nhiễm bệnh, nhưng ngày hội thể thao sẽ giúp các em học sinh đạt được thành tích đồng thời khuyến khích các em có động lực học tập".
Các thành phố trong vùng Chubu có các chính sách khác nhau về việc tổ chức hội thao, một số hủy bỏ sự kiện này và một số khác tổ chức hội thao ở quy mô nhỏ hơn hoặc dưới các hình thức khác. Nhiều trường tổ chức các cuộc thi thể thao cho từng khối lớp riêng rẽ thay vì tổ chức toàn trường hoặc chuyển sang tổ chức khiêu vũ trực tuyến.
"Các em học sinh có thể tiếp xúc gần gũi với nhau không chỉ vào ngày diễn ra sự kiện mà còn trong quá trình chuẩn bị. Chúng tôi phải ưu tiên sự an toàn của trẻ em, "một quan chức của hội đồng giáo dục thành phố cho biết.
Tại Nagoya, gần 20% trường tiểu học và trung học cơ sở do thành phố quản lý đã hủy ngày thể thao kể từ tháng 7/2020 đến nay. Các trường còn lại dự định tổ chức vào tháng 2/2021. Một trường đang xem xét tổ chức chương trình này trong nhiều ngày trong giờ học và mời phụ huynh theo dõi.
Các trường học ở thành phố Tsu, tỉnh Mie, có kế hoạch tổ chức ngày hội thể thao đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa chuyện lây nhiễm Covid-19 một cách chặt chẽ.
Ở thành phố Fukui, các trường học đã tổ chức ngày hội thể thao vào tháng 9 hoặc tổ chức vào tháng 10 đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh kỹ càng như tổ chức các chương trình vào các thời điểm khác nhau cho mỗi khối lớp hoặc rút ngắn chương trình xuống còn nửa ngày.
Một trường học ở Otsu, tỉnh Shiga, đã yêu cầu các thành viên trong gia đình chỉ ở trong sân trường khi con họ tham gia.
Tại thành phố Nagano, gần 80% trường tiểu học đã từng tổ chức ngày hội thể thao vào cuối tháng 5 năm ngoái. Năm nay, hầu hết các trường tiểu học và trung học cơ sở đã hoãn sự kiện này sang mùa thu kể từ khi các trường buộc phải đóng cửa vào tháng 5/2020 để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Một số trường tổ chức hội thao vào các ngày trong tuần, ngay trong giờ học và một số trường khác quyết định tổ chức ngày hội thể thao như một sự kiện nửa ngày vào cuối tuần.
Nguồn: Theo The Japan Times