Nhật Bản cân nhắc dùng thuốc cúm Avigan để điều trị COVID-19
Tính đến ngày 21/2, Nhật Bản ghi nhận 730 ca nhiễm bệnh COVID-19, trong đó có 634 ca trên du thuyền Diamond Princess neo đậu ngoài khơi thành phố Yokohama và 3 ca tử vong vì dịch bệnh này.
Ngày 22/2, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết quốc gia này đang cân nhắc sử dụng thuốc Avigan, điều trị cúm, do Tập đoàn Fujifilm Holdings phát triển, để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus corona gây bệnh COVID-19.
Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Kato khẳng định Nhật Bản đang làm mọi việc có thể để điều trị cho các bệnh nhân khi nhắc tới khả năng sử dụng thuốc Avigan, hay còn được biết đến với tên Favipiravir.
Ông cũng cho biết sau khi tiếp nhận những thông tin từ nước ngoài rằng việc sử dụng thuốc điều trị cúm có hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế Nhật Bản sẽ kiểm tra hiệu quả điều trị của các loại thuốc và nếu cần thiết sẽ cung cấp cho các cơ sở y tế để điều trị cho các bệnh nhân.
Chính phủ Nhật Bản sẽ sớm công bố chính sách cơ bản ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID-19, có thể là vào ngày 25/2 tới.
Tính đến ngày 21/2, Nhật Bản ghi nhận 730 ca nhiễm bệnh COVID-19, trong đó có 634 ca trên du thuyền Diamond Princess neo đậu ngoài khơi thành phố Yokohama và 3 ca tử vong vì dịch bệnh này.
Ngày 22/2, Nhật Bản đã phải hoãn chương trình tập huấn cho các tình nguyện viên phục vụ Thế vận hội mùa Hè (Olympic Tokyo) 2020 vì lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, Ủy ban Olympic quốc gia này khẳng định chương trình tập huấn sẽ được lên lịch trong thời gian tới và các kế hoạch khác chuẩn bị cho Olympic cũng như sự kiện dự kiến khai mạc vào tháng Bảy tới sẽ không bị tác động.
Số lượng các ca lây nhiễm tăng cao trên du thuyền Diamond Princess đặc biệt gây quan ngại với các nhà vận hành tàu du lịch quốc tế.
Theo khảo sát mới của hãng tin Kyodo, kể từ đầu tháng 2 tới ngày 21/2, các hãng vận hành tàu du lịch quốc tế đã hủy 206 lịch cập cảng tại Nhật Bản do lo ngại tác động của dịch bệnh. Hầu hết các thông báo đều nêu lý do vì các tour dự kiến đã bị hủy.
Ước tính, việc hủy lịch cập cảng với số lượng lớn như trên có thể khiến ngành du lịch Nhật Bản thiệt hại khoảng vài tỷ yen khi mà trung bình mỗi lần một tàu cập cảng, các hành khách sẽ chi tiêu tổng cộng tại Nhật Bản khoảng 30-40 triệu yen (270.000-360.0000 USD).
Giới chức tại các cảng cho biết chưa bao giờ họ nhận thông báo hủy lịch trình dồn dập như thời gian qua, đồng thời bày tỏ lo ngại tác động của dịch bệnh có thể kéo dài tới mùa Hè. Số thông báo hủy lịch cập cảng được dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng cho tới cuối năm 2020.
Cũng trong ngày 22/2, Mỹ cảnh báo các công dân tránh tham gia các tour du lịch bằng du thuyền tại châu Á do lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Hiện số ca nhiễm bệnh COVID-19 tại Mỹ là 34 ca, trong đó có 21 ca trở về từ nước ngoài.
Hồi đầu tuần này, Mỹ đã điều hai máy bay đón hơn 300 công dân nước này trở về từ tàu Diamond Princess và một vài chuyến bay khác đón công dân từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc.
Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Brownlee cho biết chính phủ khuyến cáo mọi công dân cân nhắc thận trọng các kế hoạch du lịch bằng du thuyền tới hoặc trong châu Á.
Ông này cũng khẳng định dù vài tuần qua, Chính phủ Mỹ đã điều các chuyến bay tới đón công dân từ những vùng chịu tác động của dịch bệnh về nước nhưng không đảm bảo sẽ tiếp tục tổ chức những chuyến bay như vậy trong tương lai.
Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng số người nhiễm COVID-19 sẽ gia tăng trong nhóm những hành khách trở về từ du thuyền Diamond Princess vì môi trường tiếp xúc rất gần trên du thuyền này trong thời gian cách ly tại Nhật Bản.
CDC cũng cho biết trong số hơn 40 công dân Mỹ đang nhập viện điều trị tại Nhật Bản sau khi được phát hiện dương tính với COVID-19 trong thời gian cách ly trên Diamond Princess, có một số người trong tình trạng nghiêm trọng./.