Nhật Bản chi hơn 40 tỷ USD trong 1 ngày để ngăn chặn đồng Yen giảm giá
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy Nhật Bản đã chi 5.920 tỷ Yen (khoảng 41 tỷ USD) để làm chậm đà giảm giá nhanh chóng của đồng Yen so với đồng USD.
Đồng Yen đang hồi phục mạnh mẽ
Truyền thông Nhật Bản đưa tin trong ngày 29/4, nước này đã chi 5.920 tỷ Yen (khoảng 41 tỷ USD) để làm chậm đà giảm giá nhanh chóng của đồng Yen so với đồng USD.
Theo hãng tin Kyodo, dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy 2 ngày sau khi chi số tiền kỷ lục trên, nước này đã tiếp tục chi 3.870 tỷ Yen, đánh dấu lần việc đầu tiên dữ liệu chính thức xác nhận ngày tháng và số lượng các cuộc mua đồng yen, bán đồng USD được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.
Cũng theo nguồn tin này, 2 lần bán đồng USD quy mô lớn với tổng giá trị 9.790 tỷ Yen đã giúp tăng giá đồng Yen 5% từ mức thấp nhất trong 34 năm là 160,24 Yen đổi 1 USD. Dù vậy, động thái này không ngăn được đà giảm giá của đồng tiền này. Đồng Yen sau đó tiếp tục giảm và hồi đầu tháng 7 đã giảm xuống mức thấp mới trong 37 năm với 1 USD đổi được gần 162 Yen, mức yếu nhất của đồng tiền này kể từ tháng 12/1986.
Tuy nhiên, sau chuỗi ngày suy yếu, đồng Yen đã khởi sắc mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Phiên giao dịch ngày 05/8, đồng Yen của Nhật Bản đã ghi nhận mức cao nhất so với đồng USD kể từ giữa tháng 1 năm nay, do sự hỗn loạn gần đây của thị trường và những lo ngại về kinh tế. Đồng Yen được giao dịch ở mức 145,43 yen/1 USD, tăng 0,8% và đang tiến gần đến mức đỉnh điểm vào giữa tháng 1.
Chỉ trong hơn 3 tuần, đồng Yen Nhật cũng đã tăng 10% giá trị so với đồng USD, một phần là do Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) gần đây đã tăng lãi suất lên 0,25% và có kế hoạch giảm một nửa lượng trái phiếu mua hàng tháng trong vài năm tới.
Nguy cơ giảm sức mua của người tiêu dùng
Sách Trắng Kinh tế Tài chính thường niên do Chính phủ Nhật Bản công bố đầu tháng 8 đã chỉ ra việc đồng Yen yếu đang gây tổn hại đến tâm lý của các hộ gia đình và có thể làm giảm sức mua của họ. Báo cáo cũng nhấn mạnh mối lo ngại về tác động kinh tế tiêu cực từ sự mất giá của đồng tiền này.
Trong Sách Trắng năm nay, Chính phủ Nhật Bản cho biết khi chính quyền của cố Thủ tướng Shinzo Abe triển khai chính sách kích thích kinh tế “Abenomics” vào năm 2013, kỳ vọng lạm phát tăng cao đã giúp cải thiện tâm lý hộ gia đình.
Tuy nhiên, sự gia tăng trở lại của kỳ vọng lạm phát kể từ giữa năm 2023 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các hộ gia đình, một phần vì công chúng phản ứng với các báo cáo về giá thực phẩm và chi phí nhập khẩu tăng do đồng yen yếu.
Theo Sách Trắng, “đồng Yen yếu có nguy cơ làm giảm sức mua của người tiêu dùng” bằng cách đẩy lạm phát lên cao hơn mức tăng trưởng tiền lương.
Sách Trắng cũng cho biết đồng Yen giảm giá không còn thúc đẩy khối lượng xuất khẩu nhiều như trước nữa vì ngày càng nhiều nhà sản xuất Nhật Bản chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Ngược lại, đồng Yen yếu còn có thể gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty nhỏ hơn vì làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô.
Đồng Yen yếu đã trở thành mối lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách vì làm giảm mức tiêu dùng do tăng chi phí nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và nguyên liệu thô.
BoJ cũng trích dẫn rủi ro lạm phát vượt mức do đồng Yen yếu là một trong những lý do để tăng lãi suất./.