Nhật Bản: Chính quyền TP Tokyo ứng dụng ChatGPT vào công việc
Một nhân viên chính quyền ở Nhật Bản sử dụng ChatGPT trong công tác hành chính. Nguồn: Kyodo
*Chatbot AI của Google bị chặn trên toàn Liên minh châu Âu
Thống đốc Tokyo (Nhật Bản) Yuriko Koike vừa thông báo từ tháng 8 tới, chính quyền thành phố sẽ bắt đầu sử dụng công cụ chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT để soạn thảo các văn bản và thực hiện các công việc văn thư khác tại tất cả các văn phòng của Tòa thị chính.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng thành phố, bà Koike nêu rõ ChatGPT sẽ được sự dụng để thực hiện nhiều công việc bao gồm soạn thảo tài liệu ở dạng câu hỏi và trả lời, thu thập ý kiến đóng góp của nhân viên về các ứng dụng thực tế khác của công cụ AI tạo sinh.
Bà Koike tin rằng ChatGPT có khả năng thay đổi đáng kể cách quản lý hành chính công và chính quyền có thể quản lý thành phố tốt hơn bằng cách đánh giá các khía cạnh tích cực và tiêu cực của dịch vụ AI.
Theo giới chức TP Tokyo, để giảm thiểu những mối lo ngại như rò rỉ thông tin mật, chính quyền thành phố đã thành lập một nhóm dự án để kiểm tra tính hiệu quả của ChatGPT và soạn thảo các hướng dẫn sử dụng.
Tuần trước, TP Yokosuka, thuộc tỉnh Kanagawa, phía nam Tokyo, đã trở thành chính quyền địa phương đầu tiên tại Nhật Bản bắt đầu sử dụng chatbot này.
Chính quyền TP Yokosuka đưa ra quyết định trên sau khi kết quả thử nghiệm một tháng từ tháng 4 vừa qua cho thấy chatbot đã cải thiện tính hiệu quả công việc đối với những nhiệm vụ như soạn thảo văn bản.
* Theo trang Insider, kế hoạch triển khai Bard, chatbot AI của Google, trên khắp Liên minh châu Âu (EU) đã bị chặn lại sau khi Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland, cơ quan quản lý dữ liệu chính của Google trong khu vực, bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư.
Ngày 13/6, Ủy ban trên cho biết các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của công cụ AI tổng quát mà Google phát triển không đủ để hỗ trợ việc ra mắt ứng dụng này tại EU theo Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR).
Theo Phó Ủy viên Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland, Graham Doyle, Google đã thông báo cho Ủy ban về kế hoạch phát hành Bard tại EU trong tuần này. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn chưa được giải thích kỹ lưỡng hay được tiếp cận với đánh giá về tác động bảo vệ dữ liệu hoặc bất kỳ tài liệu hỗ trợ nào khác chứng minh Bard tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu của EU.
Người phát ngôn của Google nói với Insider rằng công ty đã trao đổi với Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu trong những tuần gần đây và chia sẻ tài liệu liên quan, nhưng không giải thích lý do cụ thể của việc tạm dừng kế hoạch, hoặc có thể mất bao lâu nữa để Bard có thể ra mắt ở châu Âu.
"Vào tháng 5, chúng tôi đã nói rằng chúng tôi muốn cung cấp Bard rộng rãi hơn, kể cả ở Liên minh châu Âu và chúng tôi sẽ làm như vậy một cách có trách nhiệm, sau khi tham vấn các chuyên gia, cơ quan quản lý và nhà hoạch định chính sách", người phát ngôn Google nói với Insider. "Là một phần của quá trình đó, chúng tôi đã nói chuyện với các nhà quản lý quyền riêng tư để giải quyết các câu hỏi của họ và nghe phản hồi".
Bard, được Google ra mắt vào tháng 3 năm nay, đang được triển khai dần dần. Công ty cho biết công cụ đàm thoại AI này hiện có sẵn ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland chịu trách nhiệm về Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) tại EU. GDPR, một bộ quy tắc bảo vệ dữ liệu, cho phép các cá nhân kiểm soát nhiều hơn cách dữ liệu của họ được sử dụng và chuyển giao bởi các doanh nghiệp trong các quốc gia thành viên EU.
Việc Google phải dừng chương trình ra mắt Bark càng làm nổi bật hơn cuộc chạy đua giữa các công ty nhằm tung ra các sản phẩm AI tổng quát và các nhà lập pháp đang cố gắng tìm ra cách thức quản lý công nghệ như vậy.
OpenAI, công ty phát triển ứng dụng ChatGPT, cũng đã gặp khó khăn với các cơ quan quản lý của EU trong những tuần gần đây.
Giám đốc điều hành của công ty, Sam Altman, cho biết vào tháng 5 rằng OpenAI có thể rời khỏi EU nếu việc tuân thủ các luật AI được đề xuất trở nên quá khó khăn, có thể buộc các công ty AI tổng quát phải tiết lộ các tài liệu được sử dụng để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn của họ. Tuy nhiên, ông Altman sau đó đã làm rõ rằng OpenAI hiện không có kế hoạch rời khỏi châu Âu.