Nhật Bản chống bão chuyên nghiệp, nhưng người nước ngoài gặp khó khăn
Du học sinh Việt tại Nhật cho rằng người Nhật chuẩn bị và ứng phó siêu bão Hagibis rất chuyên nghiệp, dù người nước ngoài gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin.
Buổi chiều tối hôm đó được tan làm về sớm, Phạm Minh Tú, 27 tuổi, tranh thủ qua siêu thị gần nhà để mua đồ. Đây là địa điểm quen thuộc của anh sau mỗi buổi làm thêm.
Tuy nhiên, khác với thường lệ, Tú ngỡ ngàng khi thực phẩm trên quầy hàng "hết từ lúc nào không biết". Đó là ngày 9/10, ba ngày trước khi siêu bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản.
“Trước đó mình cũng nghe mọi người trên trường bàn tán về cơn bão lớn tiến vào Nhật Bản, nhưng vẫn còn ở xa lắm, mấy ngày nữa mới tới, chưa có gì lo lắng cả”, Tú chia sẻ với Zing.vn. Tú đang học tại Đại học Josai International, tỉnh Chiba, Nhật Bản.
“Đến khi vào siêu thị thấy tình trạng như vậy, mình mới bắt đầu chột dạ: ‘Thôi chết rồi, chứng tỏ cơn bão lần này phải rất lớn nên người dân mới đổ xô đi tích trữ lương thực như vậy”, Tú kể lại.
“Mua cùng sắm tận” để chuẩn bị đón bão
Từ ngày 9-10/10, người dân đã đổ về các siêu thị để mua nhu yếu phẩm cần thiết bao gồm nước uống đóng chai, đồ ăn liền, bánh kẹo…
"Họ tích trữ rất nhiều lương thực, phải nói là mua cùng sắm tận. Người Nhật cũng dự trữ nước sạch bằng cách xả đầy vào bồn tắm, lượng nước đủ để dùng trong khoảng 3-4 ngày. Một trong những mặt hàng bán chạy nhất trong thời điểm đó là đèn pin và bếp gas du lịch", anh Tú cho biết.
Trả lời Zing.vn, Hoàng Gia, du học sinh Việt Nam đang theo học về chuyên ngành điều khiển máy móc tại Nhật, cho biết dù chưa trải qua cơn bão nào ở Nhật Bản, nhưng từ kinh nghiệm của một số bạn bè, Gia đã mua một số thực phẩm tích trữ nhiều ngày trước khi bão đến.
"Nếu không tích trữ sớm thì tới cận ngày bão đổ bộ, sẽ không còn gì để mua vì các siêu thị sẽ trống trơn, do nhiều người dồn tới mua từ sớm", du học sinh Việt vừa kể vừa chia sẻ những tấm ảnh anh đã chụp vào tối 11/10 cho thấy các kệ hàng đã được vét sạch tại siêu thị gần chỗ ở.
Theo Minh Tú, tình trạng lương thực ở các siêu thị bị “vét sạch” một phần là do người dân đã trở nên cảnh giác hơn sau khi tỉnh Chiba chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão Faxai hồi tháng 9. Đây là cơn bão lớn đầu tiên sau nhiều năm tấn công trực tiếp vào khu vực này.
Xét về cường độ, bão Faxai yếu hơn bão Hagibis, nhưng vì đổ bộ trực tiếp vào Chiba nên bão Faxai gây ra thiệt hại nặng nề hơn, anh Tú nhận định.
Trước bão Faxai, do chưa có kinh nghiệm đối phó, chưa biết nắm bắt thông tin từ các nguồn trực tiếp nên Minh Tú không biết cách chuẩn bị. "Đến tận khi bão đánh vào mình mới biết, lúc đó đã khoảng 3h sáng rồi, không làm gì được. Mọi người cũng tối tăm mặt mũi", Tú kể lại.
Bão Faxai khiến khu vực nơi Minh Tú sống bị cắt nước ba ngày liên tiếp. Khu vực gần trường Đại học Josai International bị cắt cả điện. Tàu điện ngưng hoạt động trong ba ngày.
"Vậy nên đến lần này, mình đã rút kinh nghiệm hơn, tranh thủ mua được đồ dự trữ", anh Tú nói.
Điện thoại "nhảy múa" trên bàn vì tin nhắn cảnh báo
Từ trước khi bão Hagibis đến đất liền, chính quyền Nhật Bản liên tục cập nhật thông tin về hướng di chuyển, cường độ và các địa phương chịu ảnh hưởng.
Hệ thống tổng đài tự động cũng nhắn tin cảnh báo trực tiếp vào số điện thoại của từng người, như cảnh báo cấp độ mấy, địa phương chịu ảnh hưởng, địa điểm sơ tán và tị nạn…
“Những ngày vừa rồi, mình cảm tưởng như điện thoại mình ‘nhảy múa’ trên bàn vì rung liên tục. Hệ thống gửi đến rất nhiều tin nhắn, chỉ cần nhìn qua đã hoa hết mắt”, anh Tú nói và chia sẻ với Zing.vn một tin nhắn cảnh báo về địa điểm trú ẩn tại Chiba.
Trả lời Zing.vn, Hoàng Gia cho biết trong số các cảnh báo được phát đi, "đáng chú ý có một cảnh báo đặc biệt hiếm thấy được đưa ra, nói rằng lượng mưa sẽ có thể lên mức cảnh báo cao nhất”.
Theo NHK, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo cao nhất ở 12 tỉnh, bao gồm cả thủ đô Tokyo, về việc lượng mưa sẽ đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Khoảng 17h-18h chiều ngày 12/10, bão Hagibis đổ bộ đến tỉnh Chiba. Theo Minh Tú, bão về kèm theo gió rất mạnh và mưa lớn.
Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, hôm 12/10 ở ngoài khơi bờ biển Chiba cũng xảy ra một trận động đất 5,3 độ làm rung chuyển các khu vực đang hứng chịu những cơn mưa như trút. "Rất may sau trận động đất đó không có sóng thần. Như cảnh báo trước đó của chính quyền, bão có thể tạo ra sóng thần cao tới 13 m", Tú nói.
Thời điểm bão đổ bộ, hơn 7 triệu người được khuyến cáo nên đi sơ tán, tuy nhiên chỉ có khoảng 50.000 người đến các điểm trú ẩn, theo BBC.
"Chính quyền phát đi cảnh báo sơ tán để tránh tổn thất không đáng có. Tại nơi trú ẩn có lương khô và nước uống phát miễn phí. Nhưng mình không đi, cố gắng ở lại nhà. May mắn là khu mình ở không bị ảnh hưởng quá nhiều", anh Tú chia sẻ.
Khắc phục hậu quả "nhanh và chuyên nghiệp"
Một ngày trước khi bão Hagibis đổ bộ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 11/10 thông báo lập tài khoản Twitter mới để truyền tải tin tức về thảm họa đến mọi người, trong đó có thông tin liên quan đến cách thức tiếp cận nguồn nước sinh hoạt cho người dân sau bão, theo Japan Times.
Trả lời Zing.vn từ thành phố Utsunomiya, tỉnh Tochigi, phía bắc Tokyo, Nguyễn Vân cho biết khu vực chị sống ở gần con sông lớn nên khi bão về, nước sông dâng lên nhanh và mạnh. "May mắn là bão tan nhanh nên nước chỉ ngập một chút. Không gây thiệt hại quá nhiều".
"Hiện tại thì chúng mình vẫn đi làm bình thường. Còn trường học do bị ngập nên phải sửa chữa. Bọn mình tạm thời nghỉ học", chị Vân nói, đề cập đến Trường Quốc tế Điều dưỡng chị đang theo học.
Miêu tả công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, cả chị Nguyễn Vân và anh Minh Tú đều cho rằng Nhật Bản có quy trình ứng phó rất "nhanh và chuyên nghiệp".
"Công nhân ở đây làm việc liên tục. Hôm 13/10 mình làm đêm về lúc 4h sáng thấy họ vẫn đang quét dọn. Phải nói là làm việc liên tục từ khi hết bão. Mọi thứ giờ đều bình thường. Đến hôm nay đường phố đã sạch sẽ hết rồi. Trong khi đó tối 12/10, chỗ mình nước ngập gần 1 m", chị Vân chia sẻ hôm 14/10, hai ngày sau khi bão Hagibis đổ bộ.
Chỉ một ngày kể từ khi bão tiến vào Chiba, anh Minh Tú cho biết hầu hết tuyến đường tàu điện ở đây đã được khôi phục lại.
"Một số người lớn tuổi ở khu vực mình sống không đợi công nhân hay chính quyền can thiệp, mà ngay sau bão đã cầm chổi ra đường quét dọn, rất chủ động và tự giác", anh Tú nói.
Hagibis là cơn bão mạnh nhất tấn công nước này trong vòng 60 năm qua, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và hơn 20 người mất tích. Hơn 110.000 người, bao gồm cảnh sát, lính cứu hỏa, lực lượng bảo vệ bờ biển và quân đội, đang tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Người nước ngoài chật vật tìm thông tin
Sinh sống và học tập tại Nhật Bản đã hơn một năm, Minh Tú cho biết đến tận thời điểm này, sau khi trải qua hai cơn bão mạnh, anh mới biết chính quyền có kênh truyền hình, YouTube phát trực tiếp và hệ thống camera cho phép người dân truy cập 24/24 để cập nhật tình hình thiên tai.
"Trong thời gian bão đổ bộ, cổng phát wifi khẩn cấp của chính quyền được mở miễn phí. Trước đó, người dân ở đây còn được khuyến cáo sạc đầy đủ thiết bị điện tử và sạc dự phòng để có thể cập nhật được thông tin phòng trường hợp mất điện", anh Tú nói.
Trong những ngày đầu nhập học khoa Nhật ngữ thuộc Đại học Josai, Minh Tú cho biết trường của anh cũng tổ chức lớp tập huấn cho sinh viên mới về cách đối phó với thảm họa.
"Khóa học chủ yếu tập trung vào việc thực hành chuẩn bị và sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Theo như mình được phổ biến, người dân ở đây trong nhà lúc nào cũng phải có một ba lô cứu nạn có đồ dự trữ tối thiểu như nước, lương khô, giấy tờ tùy thân… Trong trường hợp nhận được lệnh thông báo di tản từ chính quyền, phải sẵn sàng xách ba lô lên và đi luôn", Tú chia sẻ.
Tuy nhiên, Tú cũng tự nhận dù được tập huấn khá kỹ, anh vẫn khá lúng túng khi biết có bão sắp đổ bộ.
"Xem cách người Nhật đối phó với thảm họa mới biết mình chủ quan. Khóa tập huấn đó thực sự mình không quá để tâm do xem nhẹ mức độ ảnh hưởng của thiên tai. Nhiều bạn cùng trường mình còn trốn buổi tập huấn, về sau mới thấy nó cần thiết thế nào", anh Tú nói.
Chỉ vào loạt tin nhắn cảnh báo bằng tiếng Nhật từ chính quyền, Minh Tú cho rằng người Việt Nam ở Nhật không nắm bắt kịp thông tin về thảm họa một phần do không thông thạo ngôn ngữ.
“Ví dụ như tin nhắn được gửi đến điện thoại toàn chữ Nhật, Hán khiến mọi người có thể nghĩ rằng đó là quảng cáo, không để tâm. Trong các hội nhóm online của cộng đồng người Việt, thông tin về bão được phổ biến chậm, thường là lúc bão đổ bộ mới có, khiến mọi người không kịp chuẩn bị", anh Tú nhận định.
Theo Japan Times, nhiều công dân nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản cũng phàn nàn về việc thiếu thông tin được cung cấp bằng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật.
"Chúng tôi phải chật vật để tìm thông tin", Lezel Boyd, một công dân Australia đang ở Nhật cùng chồng, Richard, để xem các trận trong Giải vô địch Rugby Thế giới. Điện thoại của họ thi thoảng có tin nhắn cảnh báo mới về việc sơ tán, nhưng lại bằng tiếng Nhật.
"Dĩ nhiên là chúng tôi hoàn toàn không hiểu tin nhắn nói gì. Chúng tôi biết ngoài kia có thông tin dành cho những người như chúng tôi, chúng tôi chỉ không biết tìm ở đâu", Richard nói.
Japan Times cho biết chính quyền Tokyo có cung cấp thông tin về bão xuyên suốt trong ngày bằng một số ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật, dù được dịch bằng công cụ và thường sai tên riêng.
Anh Minh Tú cho rằng để đảm bảo an toàn, trước khi sang Nhật Bản, du học sinh và lao động Việt Nam nên tham khảo thêm thông tin về việc đối phó với thiên tai ở đây và tự chuẩn bị cho mình kiến thức tối quan trọng để phòng thân.
"Các trang cộng đồng người Việt cũng nên phổ biến thường xuyên hơn thông tin về vấn đề này để nâng cao ý thức của mọi người, tránh chủ quan như mình”, anh Tú nhắn nhủ.