Nhật Bản có ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới tuần thứ 3 liên tiếp
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Các số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy Nhật Bản vẫn ghu nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất thế giới trong tuần thứ 3 liên tiếp.
Cụ thể, trong tuần từ ngày 1-7/8, Nhật Bản ghi nhận 1.496.968 ca nhiễm mới, tăng 9% so với một tuần trước đó và chiếm hơn 20% trong tổng số ca nhiễm mới trên toàn cầu.
Tổng số người tử vong vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản là 1.002 người, tăng 53 người so với một tuần trước đó, cao thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Brazil và Ý. Tổng số ca nhiễm mới trên thế giới trong giai đoạn này là 6.980.516 ca, tăng 3% so với tuần trước đó.
WHO nhận định số ca nhiễm mới và tử vong thực tế vì dịch COVID-19 có thể cao hơn so với con số báo cáo bởi một số nước đã thay đổi chiến lược xét nghiệm.
Bên cạnh đó, theo WHO, dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có thể sẽ tiếp tục là biến thể chủ đạo gây bệnh trên toàn cầu khi gây ra khoảng 70% trong tổng số ca nhiễm mới đã được phát hiện đến cuối tháng trước. BA.5 được cho là nguyên nhân dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ 7 hiện nay ở Nhật Bản.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tính tới ngày 11/8, tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt ngưỡng 15 triệu ca. Cụ thể, trong ngày 11/8, Nhật Bản ghi nhận 240.205 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 15.143.597. Với thêm 206 ca tử vong, tổng số người tử vong vì dịch COVID-19 ở nước này tăng lên 34.596 người.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận ngày 12/8 đã giảm ngày thứ 2 liên tiếp, song số ca bệnh thể nặng ở mức cao nhất trong 3 tháng qua do một dòng phụ của biến thể Omicron dễ lây lan. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã ghi nhận thêm 128.714 ca mắc mới COVID-19 (trong đó có 464 ca nhập cảnh), nâng tổng số ca bệnh lên 21.111.840 ca.
Số ca mắc mới ghi nhận ngày 12/8 này giảm so với 137.241 ca ghi nhận ngày 11/8, song vẫn cao hơn so với 112.858 ca ghi nhận 1 tuần trước đó. Số ca bệnh thể nặng tăng từ 35 ca một ngày trước đó lên 453 ca, mức cao nhất kể từ ngày 24/5. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 58 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 25.499 ca.
Tại Trung Quốc, chính quyền một số thành phố của tỉnh Hải Nam ngày 12/8 quyết định gia hạn phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 đến hết cuối tuần này, trong khi chính quyền TP Lhasa của Khu tự trị Tây Tạng tăng cường các biện pháp hạn chế sau khi phát hiện những ổ dịch mới.
Tại thành phố Dongfang và Chengmai của tỉnh Hải Nam, chính quyền thông báo sẽ phong tỏa 1 tuần, thay vì 3 hoặc 4 ngày như kế hoạch trước đó. Chính quyền TP Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải Nam, quyết định thực hiện phong tỏa toàn thành phố 2,9 triệu dân này trong khoảng từ 7 - 16h theo giờ địa phương, sau khi áp dụng các biện pháp hạn chế trong giờ trọng điểm 3 ngày trước.
Trong khi đó, hàng triệu người dân ở các thành phố khác của Hải Nam cũng đang phải thực hiện các lệnh phong tỏa vô thời hạn. Tại Khu tự trị Tây Tạng, chính quyền TP Lhasa kêu gọi người dân từ ngày 12 - 15/8 không ra ngoài đường trừ các trường hợp khẩn cấp.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc áp dụng linh hoạt các biện pháp hạn chế, theo đó thực hiện phong tỏa thời gian ngắn hơn để đảm bảo các hoạt động không bị đình trệ quá lâu.
Theo báo cáo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong ngày 11/8, Trung Quốc có 1.851 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, bao gồm 648 ca có triệu chứng và 1.203 ca không triệu chứng.
Tại Mỹ, trong hướng dẫn cập nhật công bố ngày 11/8, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cơ quan này không còn khuyến nghị thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm tại các trường học hoặc nhà trẻ đối với những học sinh phơi nhiễm COVID-19.
CDC cũng cho biết cơ quan này không còn khuyến nghị những người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cách ly sau khi phơi nhiễm vì khoảng 95% dân số Mỹ đã được tiêm phòng, hoặc đã mắc COVID-19, hoặc đã tiêm phòng và đã mắc bệnh.
Trong một tuyên bố, CDC nêu rõ: "Hướng dẫn này xác nhận rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc, song cũng giúp chúng ta tiến tới một thời điểm mà dịch bệnh COVID-19 không còn gây gián đoạn nghiêm trọng cuộc sống hằng ngày của chúng ta".
CDC cho biết cơ quan này đã cập nhật khuyến cáo những người phơi nhiễm COVID-19 đeo khẩu trang chất lượng cao trong 10 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 5 sau khi phơi nhiễm, bất kể đã tiêm chủng hay chưa.
Phát biểu với báo giới, Tiến sĩ Massetti thuộc CDC nêu rõ cả những người đã từng mắc COVID-19 trước đó và những người đã tiêm chủng đều có khả năng phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng ở một mức độ nào đó. Vì vậy, điều này quyết định cập nhật hướng dẫn của CDC không phân biệt các khuyến nghị dựa trên tình trạng tiêm chủng vào thời điểm này.
Hướng dẫn của CDC đối với trường học cũng dỡ bỏ khuyến nghị phân loại giữ trẻ em thành các nhóm để giảm khả năng phơi nhiễm. Mặc dù bỏ khuyến nghị xét nghiệm đối với các trường học, song CDC cho rằng các trường học có thể cân nhắc triển khai các biện pháp sàng lọc COVID-19 đối với các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như các môn thể thao có sự tiếp xúc gần hoặc vào những thời điểm quan trọng trong năm.