Nhật Bản có thể làm chậm tiến trình năng lượng sạch ở Đông Nam Á?
Nguồn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dư thừa của Nhật Bản đang làm dấy lên lo ngại rằng điều này có thể cản trở nỗ lực giảm phát thải ở khu vực châu Á.

Hình minh họa
Từ một quốc gia nhập khẩu LNG lớn, Nhật Bản đang chuyển mình thành trung tâm giao dịch LNG toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng này khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng nó có thể làm chậm quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trong khu vực.
Trước đây, lo ngại về an ninh năng lượng đã khiến Nhật Bản mạnh tay đầu tư vào LNG - đặc biệt sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 và thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Những khoản đầu tư đó góp phần định hình lại thị trường LNG toàn cầu, thông qua các hợp đồng dài hạn và sự phát triển của hạ tầng khí đốt.
Tuy nhiên, hiện nay khi nhu cầu sử dụng khí đốt trong nước giảm nhưng các hợp đồng cung ứng LNG vẫn còn hiệu lực, các công ty năng lượng Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung.
Theo các chuyên gia, quá trình “chuyển vai” từ người mua sang người bán đang khiến các công ty Nhật Bản - với sự hậu thuẫn của nhà nước - tích cực bán lại LNG và khuyến khích các quốc gia khác, đặc biệt là Đông Nam Á, sử dụng khí đốt để phát điện. Điều này có thể khiến các nước trong khu vực lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, trong khi thế giới đang nỗ lực chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Chiến lược xuất khẩu LNG của Nhật Bản cũng đang được Úc theo dõi sát sao - quốc gia vốn là nhà cung cấp khí đốt chính của Nhật lâu nay. Trong khi Úc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trong nước và giá cả leo thang, thì phần lớn nguồn cung của họ vẫn bị ràng buộc trong các hợp đồng dài hạn với Nhật Bản. Tình hình này có thể khiến các cuộc đàm phán năng lượng giữa hai bên trở nên khó khăn hơn, dù cả hai cùng đặt mục tiêu giảm phát thải carbon.
Ở chiều hướng khác, Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh nhằm phục vụ cả mục tiêu phát triển kinh tế và chiến lược dài hạn. Trong khi đó, Mỹ dưới thời chính quyền Trump từng cắt giảm đầu tư vào năng lượng tái tạo do các cân nhắc chính trị. Chính sách năng lượng hiện tại của Nhật Bản vì vậy được đánh giá là chưa xác định rõ ràng hướng đi trong tiến trình chuyển đổi năng lượng.