Nhật Bản công bố sách trắng về kinh tế, thương mại quốc tế

Ngày 7/7, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã công bố Sách trắng về Kinh tế và Thương mại quốc tế năm 2020,

Tàu contenơ hàng hóa tại cảng Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tàu contenơ hàng hóa tại cảng Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong văn bản này, METI nhấn mạnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây thiệt hại cho các chuỗi cung ứng toàn cầu và cộng đồng quốc tế cần phải hợp tác để ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng như vậy trong tương lai.

METI nhận định hoạt động kinh doanh đã bị thiệt hại nặng nề bởi các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới, châm ngòi cho đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước.

Theo Sách trắng, hồi tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng âm 4,9% trong năm 2020. Vì vậy, trong văn bản này, METI kêu gọi cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hướng tới xây dựng “một hệ thống kinh tế-xã hội vững chắc cho phép chúng ta ứng phó một cách linh hoạt với các cuộc khủng hoảng và đảm bảo tăng trưởng bền vững”.

Riêng đối với Nhật Bản, METI cho biết sự chậm trễ trong việc vận chuyển phụ tùng ô tô và linh kiện điện tử từ Trung Quốc đã khiến nhiều nhà máy ở Nhật Bản phải tạm ngừng hoạt động, đồng thời kêu gọi đa dạng hóa nguồn cung để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Mặt khác, METI cũng cho rằng hệ thống thương mại đa phương đang phải đối mặt với các thách thức chưa từng có, như tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, METI chỉ trích các biện pháp bảo hộ mà một số quốc gia đang áp dụng nhằm ứng phó với đại dịch, trong đó có việc cấm xuất khẩu các thiết bị y tế như khẩu trang và máy thở - những vật tư y tế đang trong tình trạng khan hiếm. METI dẫn nguồn từ WTO cho biết tính đến cuối tháng 4/2020, có ít nhất 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu như vậy.

Chính vì vậy, METI nhấn mạnh cần phải tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng công nghệ (thương mại điện tử và làm việc từ xa) để đối phó với đại dịch. METI cũng cho biết các nước cũng cần bắt đầu xem xét các biện pháp nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, trước hết đối với những người đi lại vì công việc.

Đào Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-cong-bo-sach-trang-ve-kinh-te-thuong-mai-quoc-te-20200707112206278.htm