Nhật Bản công bố Sách Xanh Ngoại giao năm 2020

Quần đảo tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản. Nguồn: TASS

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 19/5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã công bố Sách Xanh Ngoại giao năm 2020, trong đó khẳng định chủ quyền của nước này đối với 4 hòn đảo nằm ở ngoài khơi tỉnh Hokkaido mà Nga đang quản lý từ sau Thế chiến Thứ hai.

Sách Xanh nhấn mạnh 4 đảo mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Nam Kuril) là “thuộc chủ quyền của Nhật Bản,” đồng thời khẳng định vấn đề tranh chấp đối với các hòn đảo này là vấn đề “quan ngại nhất,” và Nhật Bản sẽ tiếp tục các nỗ lực để đạt được thỏa thuận với Nga về vấn đề này.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản chỉ khẳng định “4 hòn đảo ở phía Bắc thuộc về Nhật Bản” trong Sách Xanh Ngoại giao năm 2018, và loại bỏ câu này trong phiên bản năm 2019.

Vào thời điểm đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn hy vọng thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin trao trả đảo Shikotan và nhóm đảo Habomai cho nước này theo Tuyên bố chung mà hai nước đã ký năm 1956.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka tháng 6/2019, các nhà lãnh đạo hai nước đã không đạt được thỏa thuận nào, khiến triển vọng ký kết hiệp ước hòa bình đánh dấu sự chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước trở nên mờ mịt.

Mặt khác, trong Sách Xanh Ngoại giao năm nay, Nhật Bản cũng đề cập tới tình trạng căng thẳng gia tăng trong quan hệ với Hàn Quốc do các biện pháp siết chặt kiểm soát hoạt động xuất khẩu, và vấn đề đền bù cho lao động cưỡng bức trong thời chiến, đồng thời lên án việc Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tài liệu trên đánh giá Hàn Quốc là “nước láng giềng quan trọng” đối với Nhật Bản, nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn “đang rất xấu” do các vấn đề lịch sử.

Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng sau các phán quyết vào năm 2018 của tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản phải đền bù cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong giai đoạn 1910-1945.

Tháng 7/2019, Nhật Bản đã siết chặt kiểm soát hoạt động xuất khẩu 3 nguyên liệu trọng yếu sang Hàn Quốc. Đáp lại, Hàn Quốc loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các quốc gia hưởng ưu đãi thương mại.

Đối với Triều Tiên, trong tài liệu trên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tái khẳng định các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng “đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ cho Nhật Bản mà còn cho toàn bộ cộng đồng quốc tế” và “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Ngoài ra, Sách Xanh Ngoại giao năm 2020 cũng đề cập tới sự ứng phó của Nhật Bản đối với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có việc sơ tán công dân từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) về nước.

* Trước đó, ngày 18/5, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chính thức thành lập Lực lượng tác chiến vũ trụ có nhiệm vụ bảo vệ các vệ tinh nhân tạo của Nhật Bản và giám sát rác vũ trụ cũng như các vệ tinh nhân tạo khả nghi có nguy cơ gây hại tới lợi ích của nước này.

Tại lễ thành lập, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho rằng việc đảm bảo ưu thế của nước này trong không gian vũ trụ là vô cùng quan trọng, do đó việc thành lập Lực lượng tác chiến vũ trụ lần đầu tiên rất có ý nghĩa và cũng nhận được sự kỳ vọng lớn của người dân.

Bộ trưởng Kono đánh giá lực lượng này sẽ gặp nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên cần nhanh chóng xây dựng biên chế và đào tạo nhân lực để có thể đối phó với những yêu cầu đặt ra trong môi trường an ninh mới.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản phân tích rằng việc bảo vệ và giám sát các vệ tinh nhân tạo là rất quan trọng bởi đây là kênh thu thập và truyền tải thông tin quân sự không thể thiếu trong môi trường an ninh hiện nay.

Lực lượng tác chiến vũ trụ có biên chế ban đầu 20 người và sẽ tăng lên thành 100 người từ năm 2023, có trụ sở đặt tại căn cứ Fuchu của Lực lượng phòng vệ trên không.

Nhiệm vụ chính của lực lượng này là thiết lập hệ thống giám sát vũ trụ nhằm bảo vệ các vệ tinh nhân tạo của Nhật Bản khỏi sự tấn công hay gây hại từ vệ tinh của các nước khác cũng như từ các loại rác vũ trụ khác.

Ngoài ra, lực lượng mới được thành lập cũng tham gia giám sát quỹ đạo bay của các loại vệ tinh nhân tạo khả nghi và rác trên vũ trụ.

Để đáp ứng nhiệm vụ trên, Chỉ huy lực lượng tác chiến vũ trụ Toshihide Ajiki cho biết lực lượng này sẽ nhanh chóng tiến hành huấn luyện trên các thiết bị mô phỏng để phục vụ công tác đào tạo, đồng thời sẽ thảo luận về việc chia sẻ thông tin với quân đội Mỹ.

Tới đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng lên kế hoạch sẽ triển khai hệ thống radar giám sát vũ trụ đặt tại tỉnh Yamaguchi, liên kết với Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và quân đội Mỹ để chuẩn bị xây dựng hệ thống giám sát vũ trụ và đưa hệ thống này vào hoạt động từ năm tài khóa 2023.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/239979/nhat-ban-cong-bo-sach-xanh-ngoai-giao-nam-2020.html