Nhật Bản: Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang 'rình rập'

Dân số Nhật Bản đang giảm với tốc độ đáng báo động và kết quả là Nhật Bản đang già hóa với một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội đang diễn ra.

Quang cảnh đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Quang cảnh đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài phát biểu về chính sách trước Quốc hội ngày 27/2, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cảnh báo Nhật Bản “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội” do một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang "rình rập".

Dân số nước này đang giảm với tốc độ đáng báo động và kết quả là Nhật Bản đang già hóa với một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội đang diễn ra.

Hiện nay, tỷ lệ sinh của Nhật Bản đang giảm mạnh. Số trẻ sơ sinh lần đầu tiên giảm xuống dưới 800.000 trong năm 2022. Sau khi đạt mức cao nhất là 128 triệu dân vào năm 2008, tổng dân số của "đất nước Mặt Trời mọc" tính đến ngày 1/1/2023 ước tính là 124,77 triệu, giảm 0,43% so với một năm trước đó.

Tỷ lệ sinh giảm đi kèm với một xu hướng đáng báo động khác, đó là dân số già. Năm ngoái, Nhật Bản có khoảng 36,21 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 29% tổng dân số. Ngược lại, nước này chỉ có 14,45 triệu trẻ em từ 0-14 tuổi, chiếm 11,6% dân số. Điều đó khiến dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) là 74,5 triệu người, tương đương 59,4% toàn bộ dân số và tỷ lệ phụ thuộc (tổng số người già và trẻ em chia cho dân số trong độ tuổi lao động) là 68,5%, và nước này cũng có tỷ lệ người cao tuổi trên dân số trong độ tuổi lao động ở mức cao nhất thế giới.

Tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học đặt ra nhiều vấn đề cho nền kinh. Đầu tiên, kinh tế Nhật Bản có thể thiếu đi sức sáng tạo hay tính linh hoạt vốn đại diện cho sức trẻ, nhóm dân số lớn tuổi thường có xu hướng điềm tĩnh hơn và cũng bảo thủ hơn. Doanh nghiệp có thể ít đổi mới và ý tưởng kinh doanh hơn khi lực lượng lao động bị thu hẹp về quy mô. Dân số già tạo ra gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội và y tế. Quỹ lương hưu cạn kiệt khi những người về hưu lấy đi nhiều hơn số tiền mà lực lượng lao động hiện tại đóng góp. Những động lực này tạo ra căng thẳng chính trị khi các thế hệ “tranh giành” ngân sách.

“Thách thức kép” - dân số già và tỷ lệ sinh giảm - cũng đang tồn tại ở nhiều nước phát triển khác. Đó là hệ quả tự nhiên của quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa và một hệ thống chăm sóc sức khỏe được cải thiện. Tuy nhiên, quỹ đạo của Nhật Bản dốc hơn so với các quốc gia khác, bởi nhiều nguyên nhân.

Lý do thứ nhất là lập trường của Nhật Bản đối với người nhập cư. Nước này đã có nhiều chính sách hạn chế người nước ngoài cư trú dài hạn, ưu tiên sự đồng nhất xã hội hơn là lợi ích kinh tế mà lao động nước ngoài sẽ tạo ra. Mặc dù chính phủ đã nới lỏng các biện pháp hạn chế và dường như đang tìm cách thu hút những người nước ngoài có thể đóng góp cho nền kinh tế, nhưng sẽ cần nhiều nỗ lực hơn là chỉ điều chỉnh chính sách thị thực để có thể tạo ra thay đổi thực sự.

Nguyên nhân thứ hai và quan trọng hơn là phụ nữ Nhật Bản ngày càng thích cuộc sống độc thân hoặc không muốn gánh vác những gánh nặng khi làm vợ, làm mẹ. Họ muốn kiểm soát cuộc sống của mình và có vai trò bình đẳng hơn với nam giới trong công việc và gia đình.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy trung bình phụ nữ đã kết hôn và có con nhỏ dành hơn 7 giờ mỗi ngày cho công việc chăm sóc gia đình và nội trợ không được trả công, gấp khoảng 4 lần so với nam giới. Hơn nữa, khoảng cách về giới tính của Nhật Bản cũng là lớn nhất trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Thu nhập của phụ nữ làm công việc toàn thời gian thấp hơn 22,4% so với nam giới. Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nhật Bản cũng có tỷ lệ phụ nữ trung niên không có con cao nhất (27%) trong số các quốc gia phát triển.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Kishida cam kết sẽ thực hiện “các biện pháp chưa từng có” để giải quyết vấn đề này, đồng thời cho biết đề xuất tăng gấp đôi ngân sách chăm sóc trẻ em trong tháng Sáu tới. Việc có quá ít cơ sở chăm sóc trẻ em khiến phụ nữ có gia đình gặp khó khăn khi quay trở lại lực lượng lao động. Trong mấy năm gần đây, sự thiếu hụt đó đã giảm bớt nhưng chủ yếu là do tỷ lệ sinh giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình trạng này có thể chỉ là tạm thời khi số lượng lao động trong lĩnh vực này giảm.

Nhật Bản cần nhiều lao động hơn và cần nhiều “năng lượng” hơn để vực dậy nền kinh tế. Nếu dự báo về số dân trong độ tuổi lao động giảm 10 triệu người vào năm 2040 là chính xác, thì việc tăng cường việc làm cho phụ nữ là điều cần thiết để lấp đầy khoảng trống đó./.

Mai Ly (Theo Japan Times)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhat-ban-cuoc-khung-hoang-nhan-khau-hoc-dang-rinh-rap/283016.html