Nhật Bản đã thay đổi cuộc đời Wenger thế nào
Chúng ta đã biết nhiều về 22 năm HLV Arsene Wenger dẫn dắt Arsenal. Ông kể về thời gian làm việc tại Nhật Bản trong cuốn tự truyện 'My Life in Red and White'.
Khi còn là HLV ở Monaco, tôi sống ở Villefranche-sur-Mer, nhìn ra vịnh. Nó thật bình dị. Tôi gặp Annie, người phụ nữ sau này tôi kết hôn và có chung cô con gái Leá sinh năm 1997.
Cô là một cựu cầu thủ bóng rổ. Trước đây, cô kết hôn với một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp và họ có với nhau hai mặt con. Khi chúng tôi gặp nhau, Annie là một giáo viên thể dục và cô thường đưa các lớp của mình đến SVĐ. Tình yêu phát triển dần, chúng tôi chia sẻ niềm đam mê thể thao với nhau.
Cơ hội để tự do thể hiện bản thân
Mùa thu năm 1994, người môi giới Milan Calasan, cựu cầu thủ của Red Star Belgrade và Dinamo Zagreb, giúp tôi liên hệ với CLB Grampus Eight ở Nagoya. Tôi biết J.League non trẻ được thành lập vào năm 1993 và lúc đó đang bay cao, thu hút những cầu thủ đáng kinh ngạc như Leonardo, Dunga, Lineker. J.League lúc đó có rất nhiều tiền để trả lương cho các cầu thủ và HLV tốt hơn ở châu Âu.
Tôi tò mò muốn tìm hiểu về CLB nhưng không chắc mình có thể chấp nhận lời đề nghị hay không. Tôi đến thăm thành phố và CLB, chỉ với Milan để bầu bạn. Nagoya là một thành phố công nghiệp, không có điểm thu hút đặc biệt. Grampus Eight chuyển sang chuyên nghiệp cùng năm J.League ra đời. Nó được thành lập vào năm 1939 với tên Toyota Motor SC.
CLB có tinh thần đồng đội rất mạnh mẽ. Họ được coi là đối thủ nặng ký của J.League. Nhưng họ đang gặp khó khăn. Đội thua 17 trận liên tiếp trong mùa giải 1994, đứng cuối bảng, tuy nhiên không xuống hạng vì không có giải hạng hai. Ngày hôm sau, chúng tôi có một cuộc họp về hợp đồng. Tôi lưỡng lự quay trở lại Villefranche, yêu cầu hai hoặc ba tuần để suy nghĩ về đề nghị.
Trước khi sang Nhật bắt đầu công việc mới, tôi tìm kiếm những cầu thủ mà CLB cần. Tôi đến Brazil, nơi có thể tìm được một hoặc hai cầu thủ triển vọng trong ngân sách họ phân bổ cho tôi. Ở São Paulo, tôi dành hàng giờ đồng hồ để xem các trận đấu. Một ngày nọ, người môi giới giới thiệu cho tôi một cầu thủ trẻ tên Alexandre Torres.
Cuộc gặp được lên kế hoạch vào ngày hôm sau. Thật bất ngờ khi người đại diện và cũng là cha của cầu thủ này là Carlos Alberto, đội trưởng của đội Brazil huyền thoại năm 1970. Carlos bất hòa với LĐBĐ Brazil, điều này giải thích tại sao con trai ông không được gọi vào ĐTQG. Alexandre là một cầu thủ giỏi, có tâm lý hoàn hảo. Sau này hai cha con họ trở thành bạn thân của tôi.
Grampus Eight có một cầu thủ người Serbia xuất sắc nhưng không được sử dụng đúng mức là Dragan Stojkovic. Tôi giúp Dragan lấy lại phong độ, trở thành ngôi sao ở Nhật Bản trong 7 năm sự nghiệp của anh với Nagoya. Sau đó, anh là HLV giỏi.
Tôi về Pháp lấy thêm hai cầu thủ sẵn sàng cùng tôi phiêu lưu. Gerald Passi từng làm việc với tôi ở Monaco và Franck Durix ở Cannes. Tôi đàm phán về vụ chuyển nhượng của Franck và mời giám đốc của Nagoya đến ký hợp đồng ở Pháp.
Khi chúng tôi chuẩn bị ký, tôi cảm thấy giám đốc người Nhật do dự. Có lẽ Franck chơi không tốt lắm, anh ấy nói với tôi. Tôi cho giám đốc 10 phút để suy nghĩ, ký hợp đồng mua Franck hoặc tôi sẽ hủy bỏ hợp đồng làm HLV. Họ mua Franck và chưa bao giờ hối hận.
Durix và Passi là hai cầu thủ tài năng. Sau những năm tháng đen tối của bóng đá Pháp, đến Nhật là một lối thoát, là cơ hội để khám phá một giải đấu sơ khai, đồng thời được tự do thể hiện bản thân. Trải nghiệm ở Nhật thay đổi cuộc đời họ cũng như thay đổi cuộc đời tôi.
Văn hóa làm việc của người Nhật tuyệt vời
Trước khi mùa giải bắt đầu, tôi đưa đội đến trại huấn luyện trên đảo Okinawa. Tôi chỉ muốn giữ lại 20 trong số 35 cầu thủ, để đội được tổ chức tốt hơn. Nhưng tôi đối mặt với một tình huống tiến thoái lưỡng nan khủng khiếp.
Trong các buổi tập, họ thể hiện một ý chí không thể tin được, vì thế tôi giữ tất cả cầu thủ. Trong suốt 18 tháng làm việc tại Nagoya, tôi thấy sự làm việc không ngừng nghỉ này ở tất cả cầu thủ. Chúng tôi phải giấu những quả bóng để đảm bảo họ không mệt mỏi trước khi buổi tập chính thức bắt đầu.
Nhưng khi giải đấu 1995 bắt đầu, đó là một thảm họa, chúng tôi thua hết trận này đến trận khác. Sau 8 vòng, chúng tôi chỉ có 3 điểm và xếp cuối bảng 14 CLB.
Các cầu thủ không tự tin vào bản thân và tôi có thể thấy đến thời điểm các giám đốc mất niềm tin vào tôi. Tôi được triệu tập đến một cuộc họp, tôi nghĩ mình sẽ bị sa thải.
Nhưng thay vào đó, họ lại thông báo sa thải người phiên dịch của tôi. Lý do là nếu tôi không thể truyền đạt kiến thức của của mình, thì đó phải là lỗi của anh ấy. Tôi đã chiến đấu để anh ấy ở lại, các giám đốc chấp nhận quan điểm của tôi. Các cầu thủ bắt đầu thi đấu lỳ lợm hơn.
Như mọi lĩnh vực trong nền văn hóa Nhật Bản, từ cắm hoa đến đấu vật sumo và bóng chày, các cầu thủ của tôi say mê những bước di chuyển đẹp mắt, chính xác và tinh tế. Đó là một cuộc tìm kiếm sự thanh lịch và duyên dáng mà tôi luôn rất thích. Họ chỉ thiếu sức mạnh và đôi khi ưa chuộng tính thẩm mỹ hơn hiệu quả. Tôi bù đắp được những thiếu sót này.
Tôi cũng học cách thỏa hiệp với truyền thống bản địa. Ví dụ, ở châu Âu, các VĐV nói chung được khuyến cáo không được tắm nước nóng một ngày trước trận đấu. Nhưng ở Nhật Bản, tắm nước nóng ở nhà tắm công cộng là một truyền thống lâu đời. Tôi hoảng hốt khi lần đầu thấy các cầu thủ ở trong bồn tắm hàng giờ liền. Nhưng tôi không nói gì, bạn phải học cách tôn trọng truyền thống.
Tôi cũng phải cẩn thận để không làm mất lòng các cầu thủ và trợ lý. Danh dự là tối quan trọng đối với người Nhật. Không bị mất mặt là rất quan trọng đối với họ. Nếu một HLV nói với cầu thủ của mình rằng anh ta chơi tệ và vô dụng, thì cầu thủ đó sẽ mất mặt vì anh ta đã làm việc theo nguyên tắc luôn cống hiến hết mình. Tôi phải tìm ngôn từ thích hợp để bày tỏ sự không hài lòng của mình mà không gây ra sự xúc phạm.
Tôi cũng nhớ lại buổi họp báo đầu tiên của mình trong một nhà hàng truyền thống, không bàn ghế, chúng tôi ngồi bệt xuống sàn. Cảm giác ngồi bệt rất khó chịu. Sau 10 phút, tôi nghĩ mình sắp chết. Cứ 5 phút tôi lại ra khỏi phòng, chắc họ nghĩ tôi ốm.
Tôi phát hiện ra rằng họ hoàn toàn tôn trọng thời gian biểu, không bao giờ trễ chuyến tàu, không bao giờ đi muộn hơn thời gian ghi trên giấy mời. Đó là một cú sốc văn hóa nhưng theo cách tốt.
Chúng tôi tăng nhanh từ vị trí 14 lên thứ 4, rồi thứ 2 cuối mùa giải 1995. Đó là một sự đi lên phi thường. Khi tôi rời đi vào cuối tháng 9/1996, đội đang đứng thứ 2, và hết mùa 1996 đó giành ngôi á quân. Niềm đam mê và sự cuồng nhiệt của CĐV và các cầu thủ khiến mỗi trận đấu giống như một đêm cúp châu Âu. SVĐ không còn một ghế trống.
Tháng 6/1996, David Dein thay mặt Arsenal đến Nagoya gặp tôi. Làm sao tôi có thể tưởng tượng được mình sắp dấn thân vào một cuộc phiêu lưu kéo dài 22 năm tiếp theo?
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhat-ban-da-thay-doi-cuoc-doi-wenger-the-nao-post1425634.html