Nhật Bản đẩy nhanh nỗ lực tái chế pin Mặt Trời hết hạn sử dụng

Việc xử lý các tấm pin Mặt Trời đã qua sử dụng dự kiến sẽ là một vấn đề lớn ở Nhật Bản trong thập kỷ tới.

Các tấm pin mặt trời trên tầng thượng tòa nhà. Ảnh minh họa

Các tấm pin mặt trời trên tầng thượng tòa nhà. Ảnh minh họa

Việc xử lý các tấm pin Mặt Trời đã qua sử dụng dự kiến sẽ là một vấn đề lớn ở Nhật Bản trong thập kỷ tới, trong bối cảnh nguồn năng lượng này trở nên phổ biến hơn sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 hồi tháng 3/2011.

Nhiều tấm pin Mặt Trời lắp đặt trên khắp Nhật Bản thường có tuổi thọ từ 20 đến 30 năm, nghĩa là chúng sẽ đến cuối vòng đời sử dụng trong thập kỷ tới.

Hiện tại, lượng rác thải tấm pin Mặt Trời hàng năm dưới 100.000 tấn. Nhưng lượng rác thải này được dự báo sẽ bắt đầu tăng vọt vào giữa những năm 2030 và dự kiến đạt đỉnh khoảng 500.000 tấn vào đầu những năm 2040, gây áp lực lớn cho các cơ sở xử lý. Vì Nhật Bản hiện không có hệ thống tái chế tấm pin thải nên hầu hết chúng đều được chôn như rác thải công nghiệp.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch đệ trình một dự luật trong phiên họp Quốc hội thường kỳ bắt đầu vào tháng này để thiết lập hệ thống tái chế rác thải.

Bộ Công nghiệp và Môi trường từ tháng 9/2024 đã bắt đầu thảo luận đề xuất thành lập hệ thống tái chế tấm pin Mặt Trời. Vào tháng 12 cùng năm, họ đã công bố kế hoạch để các nhà sản xuất và nhập khẩu tấm pin chi trả chi phí tái chế, còn chủ sở hữu cơ sở điện Mặt Trời chi trả chi phí phá dỡ. Tuy nhiên, chi phí tháo dỡ đối với các pin sử dụng trong gia đình sẽ không được bao gồm trong chương trình chia sẻ chi phí. Các khoản tiền thu được sẽ được quản lý bởi một bên thứ 3.

Phí tái chế sẽ được thu tại thời điểm bán hàng, còn chi phí tháo dỡ sẽ được thu trước khi bắt đầu phát điện. Cách tiếp cận này được thiết kế nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt quỹ, có thể xảy ra nếu bất kỳ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc chủ sở hữu cơ sở nào phá sản trước khi các tấm pin đạt đến cuối vòng đời sử dụng của chúng.

Sau khi hoàn tất việc phá dỡ và tái chế, bên thứ 3 sẽ thực hiện thanh toán thông qua chủ sở hữu cơ sở cho các nhà thầu phá dỡ và đơn vị tái chế được Chính phủ chứng nhận có đủ năng lực xử lý.

Tấm pin Mặt Trời được làm bằng kính, khung nhôm và các vật liệu khác. Kính chiếm khoảng 60% trọng lượng tấm pin và có thể được tái sử dụng để làm vật liệu như bông thủy tinh, được sử dụng làm vật liệu xây dựng đường bộ và vật liệu cách nhiệt.

Công ty con của Công ty điện lực Tokyo - TEPCO là Tokyo Power Technology, chuyên tái chế tấm pin Mặt Trời hoan nghênh kế hoạch trên.

Tuy nhiên, vấn đề lớn là liệu các tấm pin bị loại bỏ có được cung cấp cho các doanh nghiệp tái chế một cách ổn định sau khi hệ thống tái chế được thành lập hay không.

Một mối lo ngại khác là một số chủ sở hữu cơ sở có thể không đồng ý tháo dỡ tấm pin Mặt Trời của họ ngay cả sau khi hết thời hạn sử dụng. Ngoài ra, bề mặt kính bị hư hỏng có thể dẫn đến rò rỉ các chất độc hại như asen và chì, cũng như gây ra hỏa hoạn do rò rỉ điện.

Để ngăn chặn tình trạng bỏ hoang và đổ bỏ tấm pin Mặt Trời trái phép, chính quyền trung ương và địa phương sẽ phải hợp tác để nắm rõ thông tin chi tiết về các cơ sở điện Mặt Trời đã thành lập và đảm bảo rằng chủ sở hữu tháo dỡ cơ sở và tiêu hủy pin.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tìm ra giải pháp cho những vấn đề này và soạn thảo kế hoạch cuối cùng cho hệ thống tái chế vào đầu năm nay.

Xuân Giao (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhat-ban-da-y-nhanh-no-luc-tai-che-pin-mat-troi-het-han-su-dung/359172.html