Nhật Bản đối mặt với nguy cơ suy thoái mới
Trong tháng 10/2019, kinh tế Nhật Bản bên cạnh chịu tác động từ các yếu tố tiêu cực của kinh tế vĩ mô toàn cầu, thì còn bị ảnh hưởng mạnh từ siêu bão Hagibis, dẫn đến việc hầu hết các chỉ số vĩ mô đều diễn biến theo chiều hướng xấu đi.
Khu vực sản xuất đã không duy trì được đà mở rộng mạnh trong 2 tháng cuối quý trước mà đã rơi vào tình trạng thu hẹp lần đầu tiên kể từ đầu năm. Cụ thể, chỉ số PMI tổng hợp trong tháng 10 đã giảm mạnh từ mức 51,5 điểm của tháng 9 xuống còn 49,8 điểm trong tháng 10, trong đó chỉ số PMI khu vực chế biến chế tạo ghi nhận mức thu hẹp mạnh xuống 48,4 điểm và chỉ số PMI khu vực dịch vụ xuống sát ngưỡng thu hẹp 50,3 điểm trong tháng 10. Các thống kê về số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng đầu ra, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu và mức độ mua hàng đều ghi nhận những mức giảm mạnh nhất trong nhiều tháng qua.
Trong lĩnh vực tiêu dùng, chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 10 mặc dù đã có sự cải thiện nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn ở mức thấp so với các tháng đầu năm.
Xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ tình trạng căng thẳng thương mại gia tăng khi chưa thể lấy lại tốc độ tăng trưởng dương trong 10 tháng qua, hiện tăng trưởng xuất khẩu vẫn giảm 5,2% so với cùng kỳ. Một trong những điều khiến cho Nhật Bản lo ngại nhất là chiến lược đánh thuế đồng loạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạng lưới sản xuất toàn cầu của các công ty Nhật Bản, trong đó, ô tô là lĩnh vực có khả năng thiệt hại nặng nhất. Để giảm mức độ ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nguồn tin cho hay, một số công ty Nhật Bản đã chuyển cơ sở sản xuất sang các nước Đông Nam Á, Mexico. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, động thái này đang được cho là có thể sẽ có nhiều bất cập và rất tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian.
Cùng với đó, tình hình tiếp tục xấu đi khi tỷ lệ lạm phát ngày càng giảm cách xa mức lạm phát mục tiêu 2%, kết thúc tháng 9 chỉ đạt mức tăng 0,2% so với cùng kỳ và là mức lạm phát thấp nhất được ghi nhận kể từ đầu năm đến nay.
Các chỉ số vĩ mô đang diễn biến tiêu cực như vậy, cùng với đó là sự thiếu hụt những chính sách phù hợp đã khiến cho nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc đang đối mặt với nhiều rủi ro hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không như dự kiến. Trong tình hình đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ buộc phải tung ra các chính sách hỗ trợ tài chính, tuy nhiên theo lời của một số chuyên gia phân tích, ngân hàng này cũng không còn quá nhiều những công cụ tài chính hiệu quả để có thể vực dậy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhat-ban-doi-mat-voi-nguy-co-suy-thoai-moi-94631.html