Nhật Bản dọn đường cho phép bắn hạ khinh khí cầu nước ngoài
Ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đang tính toán cách nới lỏng quy định đối với Lực lượng phòng vệ (SDF), nhằm cho phép họ dùng vũ khí bắn hạ khí cầu của nước ngoài bay vào không phận Nhật Bản.
Hiện tại, SDF chỉ có thể bắn những phương tiện vi phạm không phận Nhật Bản nếu việc đó nhằm mục đích tự vệ.
Máy bay nước ngoài bay vào không phận Nhật Bản trái phép là vi phạm luật quốc tế, và SDF cho rằng họ có thể có biện pháp đối phó với những vi phạm như vậy theo quy định của Điều 84 Luật Lực lượng phòng vệ.
Điều luật đó cho phép thực hiện “các biện pháp cần thiết” để hỗ trợ việc hạ cánh và sơ tán. Chính phủ diễn giải điều này là chỉ được sử dụng vũ khí để tự vệ và sơ tán khẩn cấp.
Việc Mỹ bắn rơi một khinh khí cầu tầm cao của Trung Quốc gần đây đặt ra một câu hỏi mới với Nhật Bản. Trong cuộc họp ngày 15/2, Bộ Quốc phòng nước này nêu vấn đề “đánh giá lại quy định sử dụng vũ khí” đối với khinh khí cầu và máy bay không người lái.
Ngoài mục đích phòng vệ, bộ này cũng nêu quan ngại về nguy cơ khinh khí cầu ảnh hưởng đến đường di chuyển của máy bay dân sự. Thay đổi sẽ được đưa ra dựa trên cách diễn giải lại, thay vì phải sửa luật.
Cách diễn giải lại sẽ được chính phủ và liên minh cầm quyền bàn bạc cụ thể.
Ngày 14/2, Nhật Bản cho biết ít nhất 3 vật thể bay trong không phận của họ trước đây “rất có thể từ Trung Quốc”.
Những vật thể có hình dạng khí cầu được phát hiện trên bầu trời tỉnh Kagoshima tháng 11/2019, tỉnh Miyagi tháng 6/2020, và tỉnh Aomori tháng 9/2021.
Thông qua các kênh ngoại giao, Chính phủ Nhật đã yêu cầu Trung Quốc xác nhận những vật thể này và không lặp lại hành động tương tự. Tokyo tuyên bố: “Hành động vi phạm không phận của các khinh khí cầu do thám không người lái và những thiết bị khác là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Itsunori Onodera, chủ tịch Ban nghiên cứu an ninh của đảng Dân chủ tự do cầm quyền, nói rằng các khinh khí cầu Trung Quốc đã phơi bày một lỗ hổng.
“Vấn đề là chúng ta không thể nhận dạng các khinh khí cầu Trung Quốc cho đến tận bây giờ. Vấn đề lớn hơn là chúng ta đã biết về chúng nhưng không phản đối. Điều đó gây lo ngại về lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Nhật Bản”, ông Onodera nói.