Nhật Bản dự tính thâm hụt ngân sách khoảng 7,6 tỷ USD trong năm tài chính 2025
Chính phủ Nhật Bản dự tính thâm hụt ngân sách chính quốc gia có thể sẽ là 1.100 tỷ yên (7,6 tỷ USD) trong năm tài chính 2025.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 22/1, Chính phủ Nhật Bản dự tính thâm hụt ngân sách chính quốc gia có thể sẽ là 1.100 tỷ yên (7,6 tỷ USD) trong năm tài chính 2025. Mặc dù mức thâm hụt này thấp hơn mức 1.300 tỷ yên được ước tính trước đó nhưng con số này vẫn cho thấy Nhật Bản sẽ bỏ lỡ mục tiêu đạt thặng dư trong năm 2025.
Dự báo mới dựa trên kịch bản nền kinh tế sẽ tăng trưởng danh nghĩa 3% và tăng trưởng thực tế 2% trong những năm tới, mục tiêu phục hồi tài chính có thể đạt được trong năm tài chính 2026 với thặng dư 3.100 tỷ yên.
Mức thâm hụt được điều chỉnh giảm trong tài khóa 2025 phần lớn là nhờ các cải cách chi tiêu cho dù chính phủ đã có kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập và cư trú trong năm 2024 như một phần của các bước giảm lạm phát.
Trong kịch bản xấu nhất, với các quan điểm thận trọng hơn như dự báo tốc độ tăng trưởng khoảng 0,5%, Nhật Bản sẽ không thể cân bằng ngân sách chính ngay cả trong tài khóa 2033, năm cuối cùng trong khung dự báo hiện tại.
Tình hình tài chính của Nhật Bản hiện đang ở mức tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến, với tổng số nợ gấp đôi quy mô nền kinh tế. Sau khi thực hiện các khoản chi tiêu tài khóa khổng lồ trong những năm gần đây để đối phó với đại dịch COVID-19 và lạm phát gia tăng, chính phủ đang tìm cách đảm bảo kỷ luật tài khóa và vẫn cam kết thực hiện mục tiêu tài khóa 2025 là đạt được thặng dư ngân sách cơ bản. Cân đối cơ bản - doanh thu từ thuế trừ đi chi tiêu, ngoại trừ chi phí trả nợ - là một chỉ số về sức khỏe tài chính.
Giá tiêu dùng, bao gồm cả năng lượng và thực phẩm tươi sống, được dự báo sẽ tăng 2,5% trong tài khóa 2024, sau đó sẽ duy trì ở mức khoảng 2% trong kịch bản tăng trưởng kinh tế lạc quan, tức là đạt mục tiêu lạm phát được Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đề ra.
Tuy nhiên, lạm phát sẽ dưới 2% nếu nếu theo kịch bản xấu nhất. BOJ đặt mục tiêu đạt được lạm phát ổn định, đi kèm với tăng trưởng tiền lương, bằng cách xem xét giá tiêu dùng lõi, loại trừ giá của thực phẩm tươi sống dễ biến động. Trong ước tính mới nhất, Văn phòng Nội các dự kiến lãi suất dài hạn sẽ duy trì ở mức khoảng 1% ít nhất trong vài năm tới.