Cuối tháng 12/1941, Nhật Bản đã bất ngờ thực hiện tấn công hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng. Theo đó, Nhật Bản khiến Mỹ tổn thất nghiêm trọng. Sau sự kiện này, Mỹ chính thức tham gia Thế chiến 2 và tuyên chiến với Nhật Bản.
Cuộc chiến giữa Mỹ với Nhật Bản tại mặt trận Thái Bình Dương sau đó diễn ra vô cùng ác liệt. Giới chức quân sự Nhật Bản muốn tấn công lãnh thổ đất liền của Mỹ nhưng có ít lựa chọn. Nguyên do là bởi Nhật Bản đang phải căng mình đối phó với các cuộc hải chiến với Mỹ nên hứng chịu thiệt hại đáng kể.
Năm 1942, tàu ngầm của Nhật Bản đã âm thầm tiến sát bờ biển nước Mỹ và oanh tạc một số mục tiêu ở bang Oregon và California nhưng không gây ra thiệt hại đáng kể nên từ bỏ kế hoạch này. Từ năm 1944, giới chức Nhật Bản đã quyết định lên kế hoạch tấn công lãnh thổ đất liền của Mỹ bằng cách sử dụng khinh khí cầu mang theo vật liệu nổ.
Phòng nghiên cứu Kỹ thuật Quân đội Số 9 của Nhật Bản phụ trách tạo ra những khinh khí cầu dùng khí hydro có tên là Fu-Go để tấn công nước Mỹ. Các chuyên gia quân sự của Nhật đã dùng các bao cát để giữ thăng bằng và một đồng hồ kiểm soát độ cao.
Những khinh khí cầu của Nhật Bản được thiết kế giúp bay cao vào ban ngày và hạ thấp vào ban đêm nhờ một đồng hồ đo khí áp giúp kiểm soát trần bay.
Tiếp đến, những khinh khí cầu được trang bị mang theo các thiết bị dễ cháy và thuốc nổ có sức công phá lớn. Chúng mất khoảng 30 - 60 giờ để bay tới bờ biển nước Mỹ.
Theo một số hồ sơ lưu trữ của Nhật Bản, khoảng 9.000 khinh khí cầu đã được Nhật Bản thả đi. Trong đó, vài trăm chiếc được cho là đã đến lãnh thổ đất liền của Mỹ và gây ra thiệt hại nhỏ.
Trong số này, vào ngày 5/5/1945, một khinh khí cầu chở theo thiết bị nổ của Nhật Bản phát nổ trong khu rừng Oregon khiến 6 người thiệt mạng.
Tháng 3/1945, một khinh khí cầu khác của Nhật Bản đã làm hỏng đường dây điện dẫn đến Hanford, Washington. Trước các vụ việc như vậy, giới chức Mỹ giữ kín thông tin về các thiệt hại do khinh khí cầu của Nhật Bản gây ra vì không muốn cho kẻ địch biết hiệu quả của chiến dịch tấn công bằng khinh khí cầu.
Chiến dịch tấn công nước Mỹ bằng khinh khí cầu được giới chức Nhật Bản từ bỏ vài tháng trước khi đầu hàng quân Đồng minh vào tháng 9/1945.
Mời độc giả xem video: Uy lực chiến hạm lớn nhất Nhật Bản đang thăm Việt Nam.
Tâm Anh (theo History)