Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao chưa từng có
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
* Chuyên gia WHO ủng hộ tiếp tục tiêm bổ sung vắc xin
Ngày 19/8, Nhật Bản ghi nhận hơn 260.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, có tới 261.252 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 19/8, vượt mức kỷ lục 255.000 ca ghi nhận một ngày trước đó.
Thủ đô Tokyo ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trên cả nước với 27.676 ca, kế đến là thành phố Osaka với 22.798 ca, tỉnh Aichi 17.716 ca và Fukuoka với 15.726 ca. Số ca mắc mới gia tăng mạnh trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á này đang trải qua làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 7 do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh gây ra.
Cùng ngày, Nhật Bản ghi nhận thêm 294 ca không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên hơn 36.240 ca. Đây là ngày thứ 7 số ca tử vong trung bình vì dịch bệnh này tại Nhật Bản cao trên mức 250 ca, vượt các mốc từng ghi nhận trong làn sóng dịch lần thứ sáu.
* Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra khuyến nghị tiêm vắc xin bổ sung lần hai để tăng cường hệ miễn dịch cho những người dễ bị tổn thương trước dịch COVID-19.
Ngày 18/8, nhóm Cố vấn Chiến lược Miễn dịch (SAGE) của WHO cho rằng ngoài những người đã được tiêm liều vắc xin cơ bản, thường bao gồm hai mũi, và những người đã được tiêm liều bổ sung lần một, có một số đối tượng nên được tiêm bổ sung lần hai.
Chuyên gia cao cấp của SAGE, Joachim Hornbach nói: “Chúng tôi đưa ra khuyến nghị này dựa trên cơ sở quan sát sự suy giảm của hệ miễn dịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra”.
Trước đó, SAGE đã khuyến nghị mọi người trưởng thành đều nên tiêm bổ sung vắc xin ngừa COVID-19 sau 4-6 tháng tiêm liều một (thường bao gồm hai mũi).
Trong thông báo mới nhất, các chuyên gia SAGE nhấn mạnh việc tiêm bổ sung lần hai nên được thực hiện sau 4-6 tháng của lần một và chỉ áp dụng đối với “nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất”.
Nhóm này bao gồm phụ nữ mang thai, người có bệnh nền như bệnh về hệ miễn dịch, tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim phổi... Ngoài các đối tượng này, các nhân viên y tế cũng cần được tiêm bổ sung vắc xin lần hai.
Các chuyên gia của SAGE cũng cảnh báo sự phát triển của các biến thể virus, đặc tính của mỗi biến thể và diễn biến của dịch bệnh sẽ rất khó dự báo trong thời gian tới, do tình trạng suy giảm miễn dịch đối với những người đã nhiễm bệnh và sự suy giảm hiệu lực của vắc xin trên toàn cầu. Các khuyến nghị về việc tiếp tục tiêm bổ sung được dựa trên các loại vắc xin ngừa COVID-19 hiện có.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng sẽ tiếp tục đánh giá các sản phẩm mới do các hãng sản xuất vắc xin đang phát triển, như của Moderna hay Pfizer, nhằm vào các biến thể mới có khả năng lây lan và biến đổi nhanh.