Nhật Bản gia tăng nỗ lực chạy đua chinh phục không gian
Nhằm tránh để bị tụt hậu ngày càng xa và tham gia vào cuộc đua chinh phục vũ trụ - một trong những yếu tố ảnh hưởng tới vị thế một cường quốc toàn cầu trong tương lai, Nhật Bản đang đẩy nhanh các nỗ lực nhằm phát triển các dự án không gian của chính phủ cũng như tư nhân.
Lập “Quỹ Chiến lược không gian” trị giá 1.000 tỷ yên
Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) vừa thành lập “Quỹ Chiến lược không gian” trị giá 1.000 tỷ yên (khoảng gần 6,7 tỷ USD) nhằm thúc đẩy phát triển các dự án không gian trong nước. Quỹ này được Nhật Bản thành lập giữa lúc cạnh tranh trong lĩnh vực không gian vũ trụ ngày càng gay gắt và xu hướng phát triển không gian cũng đang mở rộng sang khu vực tư nhân, trong đó có thể kể đến vai trò ngày càng nổi bật của công ty SpaceX (Mỹ) của tỷ phú Elon Musk.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi thị trường liên quan đến không gian từ 4.000 tỷ yên lên 8.000 tỷ yên vào đầu những năm 2030. Việc thành lập “Quỹ Chiến lược không gian” mới nhằm mục đích cung cấp kinh phí hỗ trợ cho các công ty tư nhân, trường đại học… phát triển các dự án nghiên cứu về không gian.
“Quỹ Chiến lược không gian” đặt mục tiêu đạt quy mô 1.000 tỷ yên trong 10 năm và có thể giải ngân trong nhiều năm nên có thể cung cấp hỗ trợ lâu dài, quy mô lớn và khuyến khích thương mại hóa cũng như sự tham gia của các lĩnh vực khác của khu vực tư nhân. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ đặt ra các chủ đề dựa trên “Chiến lược công nghệ vũ trụ”, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm tài chính này, để từ đó JAXA sẽ lựa chọn các công ty tư nhân và trường đại học tham gia.
Chính phủ Nhật Bản trước đó đã thông qua chiến lược khai thác không gian vũ trụ, tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành nghiên cứu vũ trụ, cũng như các chương trình khai thác không gian bên ngoài tầng khí quyển nhằm phục vụ nhu cầu phát triển toàn diện năng lực quốc gia. Chiến lược có tên Kế hoạch cơ bản về vũ trụ mới này thể hiện phương châm cốt lõi trong chính sách vũ trụ của Nhật Bản trong khoảng thời gian 10 năm tới.
Ngoài chiến lược khai thác không gian vũ trụ, Chính phủ Nhật Bản cũng thông qua “Sáng kiến về an ninh vũ trụ”, trong đó đưa ra 3 trọng tâm thực hiện là mở rộng một cách cơ bản khả năng sử dụng lĩnh vực vũ trụ để đảm bảo an ninh, đảm bảo sử dụng an toàn và ổn định không gian, thúc đẩy tuần hoàn giữa phát triển công nghiệp vũ trụ và đảm bảo an ninh. Cùng với đó, cũng hướng tới mục tiêu tham gia Trung tâm vận hành vũ trụ liên hợp do Mỹ, Anh và một số quốc gia điều hành, nhằm giám sát các động thái như gây trở ngại hoặc tấn công vệ tinh quân sự và vệ tinh thương mại, thúc đẩy liên kết với các quốc gia đồng minh trong việc xây dựng các quy tắc mang tính quốc tế có liên quan đến sử dụng vũ trụ.
Huy động sức mạnh khu vực tư nhân chinh phục vũ trụ
Nhật Bản tăng tốc các nỗ lực thúc đẩy sự phát triển các chương trình, dự án vũ trụ diễn ra khi mà nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang tụt lại trong cuộc đua chinh phục không gian, nhất là so với các cường quốc hàng đầu thế giới, đặc biệt là quốc gia láng giềng Trung Quốc. Nhật Bản từng là một trong số những quốc gia châu Á có chương trình thám hiểm vũ trụ sớm nhất với thành tích là nước thứ tư trên thế giới phóng vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, Nhật Bản đã bị bỏ lại phía sau bởi nhiều quốc gia khác. Trung bình Nhật Bản chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho các hoạt động thám hiểm vũ trụ, trong khi con số này của Mỹ là 36 tỷ USD, còn của Trung Quốc là 4,9 tỷ USD.
Khi Nhật Bản chậm lại, Trung Quốc đã đạt những bước tiến đáng kinh ngạc trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ. Điều này có được là từ nguồn lực dồi dào và chính sách bài bản mà Trung Quốc đã xây dựng thành công mạng lưới cơ sở hạ tầng thông tin và do thám vũ trụ của mình. Trung Quốc là quốc gia thứ tư trên thế giới sở hữu mạng lưới định vị toàn cầu của riêng mình sau Mỹ, Nga và Liên minh Châu Âu (EU). Dự tính đến năm 2025, hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc sẽ thu về khoản lợi nhuận hàng năm lên tới hơn 156 tỷ USD.
“Sức nóng” cạnh tranh từ các đối thủ đã khiến Nhật Bản phải đẩy mạnh chương trình không gian, với ưu tiên ban đầu là tập trung phát triển tên lửa đẩy và tàu du hành vũ trụ. Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe vào năm khi công bố Tầm nhìn công nghệ vũ trụ 2030 đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi quy mô ngành công nghiệp vũ trụ (vào khoảng gần 30 tỷ USD). Tham vọng này được cho là có nhiều thuận lợi khi nhận được sự ủng hộ của Mỹ, cường quốc không gian đang nỗ lực duy trì vị thế trước đối thủ Trung Quốc.
Trong động thái đáng chú ý, JAXA năm 2022 đã lần đầu tiên tuyển dụng phi hành gia trong hơn một thập niên. Nhật Bản mong muốn có thể đưa phi hành gia đầu tiên của nước này lên Mặt trăng vào năm 2030, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), đồng thời hướng tới việc xây dựng trạm thu năng lượng Mặt trời đầu tiên ngoài không gian, nhằm hỗ trợ các nỗ lực khám phá vũ trụ.
Từ kinh nghiệm thành công của công ty tư nhân SpaceX tại Mỹ, Nhật Bản muốn khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia ngày càng nhiều và mạnh hơn của khu vực tư nhân vào nỗ lực chung chinh phục không gian của nước này. Theo đó, JAXA tới đây sẽ được phép đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân. Với những lợi thế công nghệ, vốn và sản xuất, Nhật Bản có đầy đủ tiềm năng, thế mạnh để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong việc chinh phục vũ trụ cho cả mục đích dân sự và quân sự trong tương lai.