Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh

Dự án 'Tiếp nhận trang thiết bị phân tích dioxin và môi trường do Chính phủ Nhật Bản tài trợ' được thực hiện từ năm 2019 - 2023 với tổng mức đầu tư trên 2,8 triệu USD.

Chăm sóc cho những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Chăm sóc cho những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Chiều 16/1, tại Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường - Chi nhánh miền Nam (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh), Binh chủng Hóa học phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhật Bản tổ chức Lễ bàn giao trang thiết bị dự án “Tiếp nhận trang thiết bị phân tích dioxin và môi trường do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.”

Dự Lễ có Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam cùng đại biểu lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế.

Tại Lễ bàn giao, đại diện phía Nhật Bản - bà Miho Hanai, Giám đốc Công ty Crow (Nhật Bản) và đại diện phía Việt Nam - Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường đã ký biên bản bàn giao trang thiết bị phân tích dioxin và môi trường do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, gồm: Phòng thí nghiệm với 25 hệ thống trang thiết bị phân tích dioxin và môi trường.

Đây là những trang thiết bị hiện đại, nhiều chức năng, hỗ trợ nâng cao năng lực cho Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường nói riêng và Binh chủng Hóa học nói chung trong công tác đánh giá, giám sát quá trình xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh tại Việt Nam.

Dự án “Tiếp nhận trang thiết bị phân tích dioxin và môi trường do Chính phủ Nhật Bản tài trợ” được thực hiện từ năm 2019 - 2023 với tổng mức đầu tư trên 2,8 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản là hơn 2,7 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam 108.029 USD.

Dự án được giao cho Bộ Quốc phòng làm Cơ quan chủ quản, chủ dự án là Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET).

Mục tiêu của Dự án là nâng cao năng lực điều tra, đánh giá, xử lý, chuyển giao công nghệ khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh, đặc biệt là chất độc da cam/dioxin; đào tạo, nâng cao năng lực khai thác, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật; đầu tư nâng cấp hạ tầng, hệ thống điện, nước, hệ thống xử lý khí thải, nước thải cho phòng thí nghiệm tại NACCET Chi nhánh miền Nam để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho thiết bị.

Khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) luôn xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân văn nhân đạo sâu sắc, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến gửi lời cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản - đối tác quan trọng của Việt Nam.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định, sự hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực này không chỉ là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai quốc gia mà còn đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của hai nước trong việc góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến bày tỏ tin tưởng, việc tiếp nhận 25 hệ thống trang thiết bị trong Dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ sẽ góp phần nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, xử lý các vùng ô nhiễm dioxin tại Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, yêu cầu của Kế hoạch quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Đây đồng thời là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao năng lực của NACCET, giúp Trung tâm thực hiện tốt hơn vai trò nòng cốt trong công tác nghiên cứu, khắc phục, bảo vệ môi trường.

Để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến yêu cầu, thời gian tới NACCET cần khai thác, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, tham gia tích cực hơn nữa vào công tác điều tra, khảo sát, đánh giá, xử lý các khu vực ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin.

Bên cạnh đó, NACCET tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các công nghệ có tính đột phá trong xử lý hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-ho-tro-viet-nam-khac-phuc-hau-qua-chat-doc-ton-luu-sau-chien-tranh-post1007878.vnp