Nhật Bản hợp tác với Trung Quốc xây dựng nhà máy sản xuất khí mêtan khổng lồ

Nhật Bản và Trung Quốc sẽ khởi động một dự án chung nhằm tạo ra một trong những cơ sở sản xuất khí mê-tan lớn nhất thế giới ở miền bắc Trung Quốc với mục đích tái sử dụng carbon dioxide và hydro dư thừa, Nikkei đưa tin.

Giảm lượng khí thải carbon dioxide đã trở thành một thách thức toàn cầu. Ảnh: Nikkei

Hai nước hy vọng sẽ thiết lập công nghệ và cung cấp nó cho các quốc gia mới nổi và đang phát triển.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc dự kiến sẽ đồng ý một biên bản ghi nhớ cho dự án tại Diễn đàn Toàn diện Môi trường và Bảo tồn Năng lượng Nhật Bản - Trung Quốc sẽ được tổ chức trực tuyến vào Chủ nhật. Các công ty Nhật Bản bao gồm Hitachi Zosen và Trung tâm Năng lượng Than Nhật Bản sẽ tham gia dự án.

Dự án nhằm sản xuất khí mê-tan từ hydro và carbon dioxide thải ra từ hoạt động sản xuất công nghiệp tại khu phát triển kinh tế và công nghệ Yulin ở tỉnh Thiểm Tây. Tái chế carbon theo cách này giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Hitachi Zosen đặt mục tiêu tạo ra khoảng 400 mét khối khí mê-tan mỗi giờ tại nhà máy mới. Khi dự án được triển khai sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của khu công nghiệp.

Bộ Kinh tế Nhật Bản và Tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng Mới, hoặc NEDO, một cơ quan trực thuộc Bộ, sẽ hỗ trợ dự án.

Những người tham gia tin rằng dự án sẽ mang lại lợi nhuận vì hydro thặng dư được tạo ra tại các nhà máy hóa chất địa phương có thể thu được với chi phí thấp.

Hydro đang thu hút sự chú ý như một nguồn năng lượng thay thế cho carbon. Hiện tại, một trong những trở ngại chính là khó khăn và chi phí vận chuyển và lưu trữ hydro cao, gấp vài lần so với khí tự nhiên hóa lỏng. Dự án sẽ sử dụng đường ống hiện có tại khu công nghiệp, giúp giảm chi phí.

Nói chung, hydro được tạo ra với số lượng lớn trong ngành sản xuất sô đa và quá trình sản xuất thép. Nếu dự án ở Thiểm Tây thành công, công nghệ này có thể sẽ được xuất khẩu sang các khu vực và quốc gia khác.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhat-ban-hop-tac-voi-trung-quoc-xay-dung-nha-may-san-xuat-khi-metan-khong-lo-post109859.html