Nhật Bản 'hốt bạc' của du khách nước ngoài nhờ… du lịch nông thôn
Theo Chính phủ Nhật Bản, du khách nước ngoài đã chi hơn 1.000 tỷ Yen khi đi du lịch đến các vùng nông thôn của xứ sở hoa anh đào trong năm 2018.
Ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản đang lựa chọn rời xa Tokyo, Nagoya và Osaka, để đến những nơi như Kanazawa, thủ phủ của tỉnh Ishikawa, miền trung Nhật Bản. (Ảnh: Nobuyoshi Shioda)
Tổng cục Du lịch Nhật Bản cho biết, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài ở các vùng nông thôn thuộc đất nước mặt trời mọc đang tăng nhanh hơn so với các khu vực còn lại.
Những con số “biết nói”
Theo Sách trắng Du lịch năm 2019, tiêu dùng của du khách nước ngoài ở khu vực nông thôn đã đạt 1.036 nghìn tỷ Yen (khoảng 9,67 tỷ USD) trong năm 2018, tăng 58% so với năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ chi tiêu của du khách quốc tế đạt 28,5% vào năm 2018, tăng từ 23,6% so với năm 2015, do nhiều khách nước ngoài chọn đến thăm các trang trại và làng chài, đi trượt tuyết, chơi các môn thể thao mùa Đông, và hòa mình với thiên nhiên và văn hóa Nhật Bản.
Nhằm phân loại các khu vực du lịch dựa trên thế mạnh và tiềm năng, Sách trắng Du lịch năm 2019 của Nhật Bản nêu rõ, tám thành phố lớn gồm Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Aichi, Osaka, Kyoto và Hyogo thuộc vào loại đô thị, còn 41 khu vực còn lại là nông thôn.
Chi tiêu du lịch của khách nước ngoài tại Nhật Bản - bao gồm tất cả chi phí khi đi du lịch, tổng cộng đạt 4,5 nghìn tỷ Yen trong năm 2018, tăng khoảng 30% so với năm 2015. Trong khi đó, mức độ tiêu dùng ở khu vực nông thôn được đánh giá là tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều, lên đến gần 60% trong cùng kỳ.
Du khách nước ngoài tạo dáng trước Đền Kiyomizu nổi tiếng của thành phố Kyoto. (Nguồn: Nikkei)
Tại Osaka và Tokyo, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài chiếm gần một nửa tổng chi tiêu của ngành du lịch. Còn ở Fukuoka, Hokkaido và Okinawa, nơi sở hữu vô số điểm thu hút khách du lịch, tỷ lệ này là khoảng 20%. Trong khi đó, tại Nara, con số này là 17%, còn số liệu của Gifu và Oita đều là 10%.
Hiện nay, ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài đang muốn “tìm đường” thoát ra khỏi các siêu đô thị như Tokyo, Nagoya và Osaka. Năm 2018, 18 triệu khách du lịch nước ngoài đã chọn du lịch ở khu vực nông thôn, nhiều hơn khoảng 5 triệu so với những du khách thích khám phá các đô thị và thành phố. Khoảng cách này được đánh giá là lớn hơn so với năm 2015, khi 10,2 triệu khách du lịch nước ngoài chọn du lịch mạo hiểm ở các vùng nông thôn, còn 9,5 triệu người hài lòng với những đô thị lớn và sôi động.
Tìm hướng đi mới
Theo Sách trắng Du lịch, những “con số biết nói” nêu trên đã thôi thúc người dân địa phương thúc đẩy xu hướng du lịch nông thôn tại xứ sở kimono. Theo đó, trượt tuyết đang là một trong những môn thể thao phổ biến và đang được chú trọng đầu tư.
Hướng đi mới này được cho là đã giúp cho thị trấn Niseko của Hokkaido được mệnh danh là khu nghỉ dưỡng và trượt tuyết mang đẳng cấp thế giới. Không chỉ vậy, hướng phát triển du lịch mới này cũng đang khiến cho Niseko trở thành một trong những thị trường bất động sản “nóng” nhất Nhật Bản, khi ngày càng nhiều nhà chung cư xuất hiện nhằm phục vụ cho những khách trượt tuyết nước ngoài.
Khách nước ngoài trượt tuyết ở Niseko, Hokkaido. (Nguồn: Planetype)
Bên cạnh sức hút lớn của các môn thể thao mùa đông trong việc đưa khách du lịch ra khỏi ba đô thị lớn của xứ phù tang là Tokyo, Nagoya và Osaka, các trang trại và làng chài, hoa anh đào nở vào mùa Xuân, và cảnh sắc tuyệt đẹp của mùa Thu cũng thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến vùng nông thôn Nhật Bản.
Giới chức của Tổng cục Du lịch Nhật Bản khẳng định: "Du khách nước ngoài dường như thích những trải nghiệm thực tế hơn là các điểm du lịch nhân tạo".
Tuy nhiên, lượng du khách ồ ạt đổ ra các khu du lịch nông thôn của xứ sở hoa anh đào cũng kéo theo bài toán tắc nghẽn giao thông và sự khác biệt văn hóa, gây ra xích mích với người dân địa phương tại một số điểm du lịch. Trong bối cảnh lượng khách du lịch nước ngoài tăng cao, Chính phủ Nhật Bản cần phải đưa ra các biện pháp phát triển du lịch bền vững và nâng cấp cơ sở hạ tầng để có thể phát huy và khai thác hết tiềm năng của ngành công nghiệp “không khói” này.