Nhật Bản hứng chịu đợt thời tiết cực đoan trái ngược ở khắp các địa phương

Thời gian gần đây, Nhật Bản liên tiếp phải hứng chịu hiện tượng thời tiết cực đoan trái ngược ở khắp các địa phương của nước này.

Trong khi các khu vực thuộc miền Đông và miền Tây, vùng Kanto-Koshin và Tokai, nhiệt độ ở nhiều nơi lên tới 41 độ C, khiến nhiều người phải nhập viện và tử vong do say nắng, thì tại Tohoku và Hokuriku lại trải qua những trận mưa lớn, gây ra lũ lụt nghiêm trọng trên diện rộng.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, ngày 30/7, mưa lớn vẫn tiếp tục xảy ra ở Tohoku và Hokuriku do ảnh hưởng của đợt không khí ấm, ẩm thấp kéo dài. Dự kiến trong 24 giờ tới tính đến sáng 31/7, lượng mưa tại Hokuriku có thể lên tới 100 mm, tỉnh Niigata là 80 mm và Tohoku là 60 mm.

Lũ sông ảnh hưởng nghiên trọng tới người dân ở các vùng Tohoku và Hokuriku - Ảnh: NHK

Lũ sông ảnh hưởng nghiên trọng tới người dân ở các vùng Tohoku và Hokuriku - Ảnh: NHK

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo, ở những khu vực như tỉnh Yamagata và Akita - những nơi có lượng mưa kỷ lục chưa từng có trong suốt 100 năm qua tại Nhật Bản vào tuần trước, ngay cả một lượng mưa nhỏ cũng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa thiên nhiên như lở đất, lũ lụt, lũ sông. Đối với những khu vực khác, mọi người dân cần tiếp tục đề phòng khả năng xảy ra lở đất, lũ sông và đề phòng sấm sét, gió giật mạnh và mưa đá.

Tại tỉnh Yamagata và Akita, nơi có lượng mưa lớn kỷ lục, tính đến nay đã có tổng cộng 3 người thiệt mạng (2 nạn nhân ở Yamagata và 1 nạn nhân ở Akita), trong khi công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn đang được triển khai.

Lũ lụt tràn vào một khu vực tắm Onsen ở Yamagata - Ảnh: NHK

Lũ lụt tràn vào một khu vực tắm Onsen ở Yamagata - Ảnh: NHK

Cho đến nay, lũ lụt đã làm hơn 1.100 ngôi nhà ở tỉnh Yamagata và khoảng 200 ngôi nhà ở tỉnh Akita bị hư hại, hàng trăm héc-ta lúa và hoa màu bị ngập nước, nhiều tuyến đê bị vỡ. Một số đường giao thông trọng yếu bị sạt lở làm tê liệt giao thông, gây khó khăn cho các hoạt động cứu hộ. Nhiều tuyến tàu cao tốc nối khu vực này với các địa phương khác bị gián đoạn gây ảnh hưởng xấu không chỉ cho sinh hoạt của người dân mà còn cho cả các hoạt động kinh tế, giao thương khác.

Tỉnh Akita đã bắt đầu tiến hành đánh giá thiệt hại về nhà cửa đối với người dân nhằm chuẩn bị cho việc cấp giấy chứng nhận thiên tai. Dự kiến, công tác này sẽ kéo dài trong khoảng một tuần để chính quyền địa phương có thể nắm bắt được bức tranh tổng thể về thiệt hại đối với nhà cửa của người dân, sau đó tiến hành điều tra chi tiết và cấp giấy chứng nhận thảm họa.

Ông Taku Saito - người đứng đầu Chi cục Thuế thành phố Nikaho, tỉnh Akita, cho biết: “Tôi nghĩ nhiều người dân đã bị kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần do những trận mưa lớn chưa từng có mà họ phải trải qua đến nay. Chúng tôi muốn nhanh chóng cấp giấy chứng nhận để họ có thể quay trở lại quê nhà cũng như trở lại cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt”.

Ông Taku Saito - người đứng đầu Chi cục Thuế thành phố Nikaho, tỉnh Akita - Ảnh: NHK

Ông Taku Saito - người đứng đầu Chi cục Thuế thành phố Nikaho, tỉnh Akita - Ảnh: NHK

Tại thành phố Sakata, tỉnh Yamagata, nhiều người dân đã không thể trở về nhà do mưa lớn, lũ lụt, hoặc nhà cửa bị hư hại. Nhiều gia đình phải sống trong các khu vực sơ tán tạm thời và đối mặt với khả năng xảy ra “thảm họa về sức khỏe” nếu thời gian sơ tán tiếp tục kéo dài.

Trái ngược với thời tiết tại Tohoku và Hokuriku, các khu vực thuộc miền đông và miền tây Nhật Bản, vùng Kanto-Koshin và Tokai đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ở nhiều nơi thậm chí lên tới 41 độ C (như thành phố Sano, tỉnh Tochigi…), trong khi các tỉnh Shizuoka, Gunma, Saitama, Ibaraki… nhiệt độ cũng ở mức hơn 40 độ C.

Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 1/7/2022, nhiệt độ ở mức từ 40 độ trở lên lại được ghi nhận tại 6 địa phương khác nhau của Nhật Bản trong một ngày.

Trái ngược với mưa lũ ở Tohoku và Hokuriku, các khu vực trải dài từ Kanto-Koshin và Tokai đang phải hứng chịu nắng nóng gay gắt - Ảnh: NHK

Trái ngược với mưa lũ ở Tohoku và Hokuriku, các khu vực trải dài từ Kanto-Koshin và Tokai đang phải hứng chịu nắng nóng gay gắt - Ảnh: NHK

Nắng nóng đỉnh điểm tại Nhật Bản cũng khiến ngày càng có nhiều người phải nhập viện hoặc tử vong vì say nắng. Chỉ tính đến 15h ngày 29/7 (theo giờ địa phương), đã có ít nhất 3 người được xác nhận tử vong do say nắng trên khắp Nhật Bản trong một ngày, trong khi tại Thủ đô Tokyo và nhiều địa phương khác mỗi ngày cũng có gần 100 người phải nhập viện.

Cơ quan Khí tượng và Bộ Môi trường Nhật Bản đã phải ban hành “Cảnh báo say nắng nguy hiểm” và ở mức “cực cao” đối với 30 tỉnh trên khắp nước này, trải dài từ khu vực Kanto đến Kyushu; khuyến cáo mọi người dân cần thực hiện các biện pháp triệt để để ngăn ngừa say nắng, đặc biệt là đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ, hạn chế tập thể dục hoặc đi ra ngoài, sử dụng điều hòa trong nhà và thường xuyên bổ sung nước và muối.

PV/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhat-ban-hung-chiu-dot-thoi-tiet-cuc-doan-trai-nguoc-o-khap-cac-dia-phuong-post1111109.vov