Nhật Bản lập chiến lược đối phó Luật Hải cảnh của Trung Quốc
Sau khi luật Hải cảnh của Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào ngày 1/2, Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ, đồng thời lên kế hoạch đối phó với luật này.
Luật Hải cảnh sẽ phá vỡ trật tự quốc tế
Một số nhà quan sát Nhật Bản cho đây là nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm tạo khung pháp lý cả ở trong nước lẫn ngoài nước để tăng quyền hạn cho lực lượng hải cảnh nhằm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông, mở đường cho việc thực thi các hành động tiếp theo.
Lo ngại trước sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại các vùng biển, nhiều thành viên trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đã có tiếng nói mạnh mẽ cùng quyết tâm thúc đẩy luật lệ mới nhằm đối phó với mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Luật Hải cảnh của Trung Quốc trao thêm quyền hạn mới, trong đó có quyền sử dụng vũ lực, cho lực lượng hải cảnh (CCG). Bên cạnh đó, CCG cũng được phép đuổi hoặc giám sát các tàu nước ngoài bị nghi ngờ tham gia những hoạt động mà Trung Quốc cho là vi phạm luật pháp của nước này. Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc mở rộng phạm vi thực hiện ở Biển Đông và biển Hoa Đông, luật này có thể phá vỡ trật tự quốc tế.
Điều đáng nói là việc Trung Quốc áp dụng luật mới đối với các vùng biển mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc đã đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn”, tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ vào năm 2016 do trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chưa hết, Bắc Kinh cũng tuyên bố, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản là lãnh thổ của mình và nước này có quyền tiến hành các hoạt động thực thi luật pháp ở nơi đó.
Đáng chú ý, luật mới quy định nếu nhận được mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC), CCG "có nhiệm vụ tiến hành hoạt động tác chiến phòng thủ…”. Theo giới phân tích, điều này cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách đưa lực lượng hải cảnh trở thành “hải quân thứ hai”. Trước đó vào năm 2020, Trung Quốc đã đẩy mạnh sự phối hợp giữa lực lượng hải cảnh và quân đội khi cho phép 2 bên tập trận chung và tham gia các chiến dịch cùng nhau nếu xảy ra chiến tranh.
Giới quan sát đánh giá, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh ngày 22/1, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền là nhằm hạn chế các lựa chọn của chính quyền Biden. Một số người dự đoán, sau Luật Hải cảnh, Trung Quốc có thể ban hành các luật khác để thực hiện tham vọng hàng hải của nước này.
Chiến lược đối phó của Nhật Bản
Nhật Bản lo ngại, luật mới của Trung Quốc sẽ nhằm vào các tàu thuyền đánh cá và tàu tuần tra của nước này đang hoạt động tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản)/Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) ở biển Hoa Đông. Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản (NSC) đã triệu tập phiên họp vào ngày 29/1 để thảo luận về cách củng cố thế trận phòng thủ của Tokyo tại khu vực xung quanh quần đảo Senkaku.
Thời gian gần đây, Nhật Bản đã gia tăng cảnh báo về các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, theo luật lệ hiện hành của nước này, rất khó để đưa ra một phản ứng hiệu quả vì tình huống hiện tại mới chỉ được xác định là “sự cố vùng xám” - tức chỉ là một hành động đe dọa vi phạm chủ quyền Nhật Bản chứ chưa phải là cuộc tấn công có tổ chức và được lên kế hoạch trước từ một lực lượng của quốc gia khác.
Ngày càng có nhiều tiếng nói bên trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ủng hộ việc ban hành một luật mới để lấp đầy những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật của Nhật Bản và đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Vào năm 2020, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã phát hiện tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư tổng cộng tới 333 ngày, một con số kỷ lục. Trước việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động hàng hải, lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) đã buộc phải thiết lập một hệ thống kiểm soát để cảnh báo và giám sát các tàu này.
JCG chịu trách nhiệm bảo vệ vùng biển của Nhật Bản. Nhưng đôi khi, họ phải chịu sức ép lớn do quy mô và mức độ hiện đại của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Trong trường hợp JCG không thể xử lý tình huống, chính phủ Nhật Bản có thể điều động Lực lượng Phòng vệ (SDF) tham gia hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn cần phải có thời gian để xem xét và thông qua quyết định này. Điều đó sẽ tạo ra bất lợi lớn cho lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) trong trường hợp xung đột leo thang.
Hiện, nhiều thành viên trong đảng LDP đang đề xuất “Luật An ninh Biên giới” với hy vọng loại bỏ sự chậm trễ, tạo điều kiện cho SDF hỗ trợ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) và lực lượng cảnh sát trong tình huống khẩn cấp. Luật mới sẽ trao quyền cho SDF tham gia các hoạt động an ninh hàng hải và đảm bảo trật tự công cộng trong thời bình, trong một số tình huống nhất định ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu của chính phủ. Tuy vậy, theo một số nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản, Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch Nhật Bản - cơ quan giám sát JCG, đã phản đối đề xuất này.
Khi thảo luận về các phản ứng của Nhật Bản đối với Luật Hải cảnh của Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 29/1, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói: “Tôi muốn đảm bảo các ý kiến của LDP và các cơ quan liên quan khác nhau được hài hòa, từ đó chúng ta có thể đưa ra một lập trường phù hợp”./.