Nhật Bản lo ngại trước nguy cơ giảm phát

Theo dự báo của BOJ dự kiến lạm phát tiêu dùng cốt lõi sẽ đạt 1% trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2020 và không đạt mục tiêu 2% trong hai năm tiếp theo.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản (core CPI) trong tháng 9/2019 chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo thị trường và chậm lại từ mức tăng 0,5% trong tháng 8/2019. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng lõi (không bao gồm sự biến động của giá thực phẩm tươi sống) đã tăng tháng thứ 33 liên tiếp nhưng đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2017 của chỉ số này.

Lạm phát giảm đang đặt ra thách thức mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) phải đối mặt trong việc thực hiện mục tiêu lạm phát 2%, đặc biệt tại thời điểm nền kinh tế lớn thứ ba thế giới gặp rủi ro từ sự suy giảm toàn cầu và tăng thuế tiêu dùng trong tháng 10 vừa qua.

Các nhà hoạch định chính sách đang lo ngại rằng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu có thể mất hỗ trợ từ nhu cầu trong nước nếu việc tăng thuế tiêu dùng lên 10% sẽ giáng một đòn mạnh vào tâm lý tiêu dùng và chi tiêu hộ gia đình.

Theo dự báo của BOJ dự kiến lạm phát tiêu dùng cốt lõi sẽ đạt 1% trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2020 và không đạt mục tiêu 2% trong hai năm tiếp theo. Nhưng các ước tính của BOJ có vẻ lạc quan so với các nhà kinh tế khu vực tư nhân khi ước tính lạm phát cơ bản thậm chí còn có thể giảm về mức 0% trong năm tới.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi thấp tăng cơ hội cho BOJ tăng cường kích thích tiền tệ trong tháng 10 này. Hai phần ba các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự kiến ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng này. Trong khi đó, 28 trong số 37 nhà kinh tế cho biết BOJ đã bắt đầu đặt nền móng cho việc tăng tỷ lệ âm.

Thống đốc Haruhiko Kuroda cũng đã phát tín hiệu cho biết, động thái giảm sâu thêm lãi suất có thể là một trong những lựa chọn mà ngân hàng trung ương sẽ xem xét để nới lỏng chính sách, mặc dù nhiều chuyên gia lo ngại rằng điều này có thể làm tổn hại thêm lợi nhuận tại các tổ chức tài chính.

Không những thế, với lãi suất đã ở mức 0% và các công ty giờ đây chỉ muốn tích trữ tiền mặt thay vì chi tiêu, nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng liệu việc nới lỏng tiền tệ thêm nữa có làm được gì nhiều để đẩy lạm phát tăng lên. Sau nhiều năm tăng cung tiền nhưng vẫn thất bại trong việc đẩy giá và làm thay đổi nhận thức của công chúng rằng lạm phát sẽ bị khuất phục, các nhà hoạch định CSTT thuộc BOJ hiện đang rất khó tạo được niềm tin cho công chúng rằng việc nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ hơn sẽ giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Thái Hồng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhat-ban-lo-ngai-truoc-nguy-co-giam-phat-93735.html