Nhật Bản, Mỹ, EU tăng cường các biện pháp chống buôn bán hàng giả, hàng nhái
Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch tăng cường các biện pháp chống buôn bán bất hợp pháp hàng giả, hàng nhái các thương hiệu với sự hợp tác của các nhà điều hành thị trường trực tuyến.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực này. Các đối tác cùng mục tiêu sẽ hợp tác với các nhà điều hành thị trường trực tuyến như Amazon.com Inc. và Rakuten Group Inc., để xây dựng hướng dẫn nhằm ngăn chặn hàng nhái các thương hiệu lớn giao dịch trực tuyến vào năm 2025 hoặc muộn hơn.
Theo hướng dẫn, các nhà điều hành thị trường trực tuyến sẽ được trao quyền xác minh một cách nghiêm ngặt danh tính của những người bán hàng trực tuyến, từ đó các công ty bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có cơ sở để tiến hành thực hiện các biện pháp pháp lý thích hợp.
Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến với nhiều loại mặt hàng được sản xuất và bán ở Trung Quốc, cùng một số các nước đang phát triển khác.
Hợp tác quốc tế nhằm chống buôn bán hàng giả với sự tham gia của các nhà điều hành thị trường trực tuyến là rất quan trọng, vì OECD vốn chủ yếu bao gồm các nền kinh tế có thu nhập cao, khó có thể gây áp lực lên các nhà kinh doanh trực tuyến ở các nước mới nổi.
OECD đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống buôn bán hàng giả vào cuối năm 2022 và bắt đầu thảo luận cấp chính phủ về vấn đề này vào tháng 4 vừa qua. Bằng cách thiết lập các hướng dẫn thương mại, OECD hy vọng sẽ thúc giục các nhà khai thác tăng cường nỗ lực ngăn chặn việc buôn bán hàng giả như giày dép, quần áo, túi xách và mỹ phẩm, và hy vọng các chính phủ sẽ đưa ra khung pháp lý để ngăn chặn loại mặt hàng này.