Nhật Bản nghiên cứu vệ tinh gỗ để giảm ô nhiễm rác không gian
Công ty gỗ Nhật Bản Sumitomo Forestry và Đại học Kyoto sẽ tiến hành nghiên cứu cơ bản để cho ra đời vệ tinh thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác không gian. Dự kiến, nước này sẽ phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới vào năm 2023.
Công ty gỗ Nhật Bản Sumitomo Forestry và Đại học Kyoto sẽ tiến hành nghiên cứu cơ bản để cho ra đời vệ tinh thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác không gian. Dự kiến, nước này sẽ phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới vào năm 2023.
Theo số liệu, không gian ngoài vũ trụ hiện chứa hơn 23.000 mảnh vỡ nhân tạo đang bay trên khắp thế giới, gây nguy hiểm cho các tàu vũ trụ đang hoạt động. Có khoảng 2.500 vệ tinh hoạt động đang di chuyển quanh Trái đất hiện nay.
Giáo sư Takao Doi, Đại học Kyoto và là phi hành gia Nhật Bản cho biết, ông rất lo lắng khi tất cả các vệ tinh khi vào lại bầu khí quyển của Trái đất đều bốc cháy và tạo ra các hạt alumin nhỏ li ti có thể trôi nổi trong vài năm trên tầng khí quyển.
Bước đi này của Nhật Bản có tầm quan trọng khi các quốc gia đang cố gắng phát triển các vệ tinh thân thiện với môi trường để giảm thiểu rác không gian.
Công ty Sumitomo Forestry và Đại học Kyoto sẽ nghiên cứu sự phát triển của cây và cách sử dụng các sản phẩm bằng gỗ trong điều kiện không gian. Ngoài ra, họ cũng cố gắng khuyến khích các công nghệ sử dụng gỗ trong các điều kiện khắc nghiệt trên Trái đất.
Vệ tinh gỗ có thể bốc cháy mà không thải vật liệu độc hại
Báo cáo của Nikkei Asia cho biết, vì sóng điện từ sẽ xuyên qua gỗ nên có thể tạo ra các cấu trúc đơn giản cho các thiết bị như ăng-ten và bộ phận kiểm soát hướng đi của vệ tinh có thể gắn được trong vệ tinh bằng gỗ.
Tờ báo viết: “Khi vệ tinh bằng gỗ lao xuống Trái đất sau khi quay quanh quỹ đạo, gỗ có thể cháy hoàn toàn mà không thải vật liệu độc hại vào khí quyển hay mưa rác trên hành tinh. Khi nó va vào bầu khí quyển của Trái đất, các mảnh vỡ cũng bốc cháy".
Các nhà phát triển tin tưởng rằng, vệ tinh gỗ sẽ có những lợi ích nhất định so với vệ tinh truyền thống. Họ cho rằng khung gỗ có thể được sử dụng để chứa các bộ phận được sử dụng để truyền dữ liệu hoặc điều chỉnh hướng đi của vệ tinh.
Rác không gian nguy hiểm như thế nào?
Nếu có nhiều vệ tinh hơn được phóng lên bầu khí quyển, rác không gian sẽ trở thành mối đe dọa ngày càng tăng. Trong khi các vệ tinh bằng gỗ sẽ bốc cháy mà không gây ra các hóa chất gây hại cho môi trường, cũng không để lại chất thải khi chúng rơi xuống Trái đất.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, khi ngày càng nhiều tên lửa và vệ tinh được triển khai, thì nguy cơ rác không gian rơi xuống Trái đất ngày càng tăng.
Ngày càng có nhiều vệ tinh được sử dụng để liên lạc, truyền hình, dẫn đường và dự báo thời tiết. Các chuyên gia và nhà phân tích không gian đã nghiên cứu nhiều phương án để xử lý và loại bỏ rác không gian.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, có khoảng 6.000 vệ tinh đang quay quanh Trái đất. Khoảng 60% trong số đó không còn hoạt động và được coi là rác không gian.
Công ty nghiên cứu Euroconsult dự đoán, trong thập kỷ này, 990 vệ tinh sẽ được phóng mỗi năm. Tổng cộng, 15.000 vệ tinh sẽ có mặt trong không gian vào năm 2028.
Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã triển khai hơn 900 vệ tinh Starlink và dự định triển khai hàng nghìn vệ tinh nữa.
Các mảnh vỡ không gian bay với tốc độ đặc biệt cao, hơn 35.800 km/giờ, nó sẽ gây hại nghiêm trọng cho các vật phẩm mà nó tiếp cận.
Năm 2006, Trạm Vũ trụ quốc tế đã từng va chạm với một mảnh vụn nhỏ trong không gian, làm văng một con chip ra khỏi cửa sổ.