Nhật Bản: Nhiều hòn đảo cân nhắc thu thuế tham quan để giảm quá tải du lịch
Nhằm hạn chế tình trạng quá tải du lịch, ngày càng nhiều hòn đảo của Nhật Bản áp dụng 'thuế tham quan' đối với du khách.
Giảm quá tải du lịch bằng thuế tham quan
Bắt đầu từ tháng 10 này, thành phố Hatsukaichi thuộc tỉnh Hiroshima sẽ áp thuế đối với du khách đến đảo Miyajima, nơi có đền Itsukushima, một di sản UNESCO.
Các hòn đảo khác thu hút lượng lớn khách du lịch, như Taketomi ở tỉnh Okinawa và Sado ở tỉnh Niigata, cũng đang dự tính áp dụng loại thuế tương tự. Những khoản thuế này nhằm mục đích bảo đảm kinh phí để quản lý lượng khách du lịch khổng lồ đồng thời bảo vệ nền văn hóa và thiên nhiên quý giá của các quần đảo.
Thành phố Hatsukaichi sẽ bắt đầu thu “Thuế tham quan Miyajima” vào tháng 10. Thuế tham quan không áp dụng với cư dân trên đảo, học sinh và trẻ mẫu giáo cũng như những người tới đảo để làm việc và những đối tượng này sẽ được cấp giấy chứng nhận miễn thuế.
Các du khách sẽ phải trả thuế như phần bổ sung cho giá vé phà. Mức thuế là 100 yên (khoảng 16 nghìn đồng) mỗi người mỗi lần ghé thăm, nhưng cũng có gói cho cả năm là 500 yên.
Năm 2019, Miyajima, với dân số 1.400 người, đã đón lượng du khách kỷ lục 4,65 triệu người. Việc chính phủ quốc gia cấp thuế phân bổ địa phương thường xuyên không liên quan đến số lượng du khách, dẫn đến nhu cầu cấp thiết phải bảo đảm nguồn thu bổ sung để trang trải các khoản chi phí quản lý du lịch vốn ngày càng tăng cao.
Trong một cuộc khảo sát khách du lịch do thành phố Hatsukaichi thực hiện vào tháng 9/2020, 93% số người được hỏi ủng hộ việc áp dụng thuế đối với du khách.
Thành phố ước tính loại thuế mới sẽ mang lại 140 triệu yên trong năm tài chính 2023 (kéo dài đến tháng 4 năm sau). Doanh thu sẽ được sử dụng để bảo trì công viên, nhà vệ sinh và cung cấp wifi miễn phí.
Ông Shunji Mukai thuộc bộ phận quy hoạch đảo Miyajima của chính quyền thành phố Hatsukaichi cho biết, số tiền này dự kiến sẽ giúp “bảo tồn thiên nhiên và trao truyền văn hóa của Miyajima cho các thế hệ tương lai”.
Thuế tham quan Miyajima là một loại thuế không theo luật định được chính quyền địa phương áp dụng độc lập thông qua các sắc lệnh và do đó cần có sự đồng ý của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản.
Nhân rộng mô hình thuế tham quan
Trên đảo Taketomi ở Okinawa, thị trấn Taketomi, nơi quản lý đảo Iriomote-di sản UNESCO, đang xem xét áp dụng một loại thuế không theo luật định như mô hình thuế ở Miyajima.
Một nhóm chuyên gia cố vấn, bao gồm các nhà nghiên cứu học thuật, đã bắt đầu thảo luận về ý tưởng này vào tháng 9, với việc chính quyền thành phố dự định đệ trình lên hội đồng thị trấn bản dự thảo sắc lệnh về "Thuế tham quan thị trấn Taketomi" vào tháng 3/2024.
Quyết định này của thị trấn Taketomi được đưa ra dựa trên tính cấp bách của tình trạng quá tải du lịch ngày càng nghiêm trọng, bắt đầu gây căng thẳng cho các nguồn lực cơ sở hạ tầng địa phương, làm xói mòn cũng như gây ra các thiệt hại môi trường khác, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân.
Trước đại dịch Covid-19, thị trấn với 9 hòn đảo có người sinh sống, có dân số khoảng 4.300 người nhưng đón hơn 1 triệu khách du lịch mỗi năm. Thậm chí, vào năm 2022, khi ngành du lịch vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch, con số này đã lên tới xấp xỉ 730.000 lượt khách.
Một cán bộ thuế của thị trấn cho biết, để cung cấp các dịch vụ hành chính nhằm đáp ứng số lượng lớn du khách, “cần có doanh thu độc lập từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ yên hàng năm”.
Trong năm tài chính 2019, thị trấn đã khuyến khích du khách đến đảo Taketomi tự nguyện trả “phí vào cửa” 300 yên, nhưng trong năm tài chính 2021, tỷ lệ thu là khoảng 14%, chỉ mang lại doanh thu 7,3 triệu yên.
Khi đại dịch đã qua đi, nhu cầu du lịch đang phục hồi. Đi cùng với lượng khách du lịch ngày càng tăng, ngày càng nhiều thành phố ở các hòn đảo xa xôi tại Nhật Bản đang tiến hành áp dụng các loại thuế không bắt buộc mới, bao gồm cả thuế vào cửa.
Mức thuế tham quan tới các hòn đảo vẫn là một chủ đề đang được cân nhắc. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do Bộ Môi trường Nhật Bản thực hiện năm 2019 đối với du khách đến đảo Iriomote cho thấy 500 yên là số tiền được nhiều người trả lời coi là phù hợp.
Vào tháng 8, thành phố Amami thuộc tỉnh Kagoshima đã thành lập một ủy ban có nhiệm vụ xem xét các cách tạo nguồn tài chính mới để bảo vệ giá trị của đảo Amami Oshima với tư cách là di sản UNESCO.
Thành phố Sado của Niigata, bao gồm đảo Sado, nơi đặt mục tiêu trở thành di sản UNESCO, cũng đang xem xét thực hiện các loại thuế không theo luật định tương tự. Một dự thảo chiến lược nhằm thúc đẩy trao đổi du lịch mà chính quyền thành phố biên soạn vào tháng 7 đã kêu gọi xem xét áp dụng thuế chỗ ở và thuế vào cửa.
Du lịch là nguồn thu thiết yếu cho các hòn đảo xa xôi và việc phát triển du lịch theo cách bền vững sẽ góp phần phát triển đảo.