Nhật Bản nói Trung Quốc đưa tàu xâm phạm vùng biển
Nhật Bản vừa gửi phản đối ngoại giao đến Trung Quốc sau khi 4 tàu Trung Quốc một lần nữa lại tiến gần quần đảo Senkaku mà Tokyo đang quản lý nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động suốt 65 ngày liên tục trong hoặc gần vùng lãnh hải quanh quần đảo không người ở này. Đây là giai đoạn hoạt động dài nhất của các tàu Trung Quốc trong khu vực tranh chấp kể từ tháng 9/2012, khi chính phủ Nhật mua lại một số đảo trong nhóm đảo từ một gia đình Nhật Bản sở hữu chúng.
Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối bình luận về điều mà các tàu Trung Quốc có thể đang làm trong vùng biển quanh quần đảo.
“Quần đảo Senkaku đang nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi và là lãnh thổ của chúng tôi một cách không có gì đáng ngờ. Chúng tôi tin rằng tiếp diễn những hoạt động đó là việc cực kỳ nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ đáp trả cương quyết và bình tĩnh đối với phía Trung Quốc”, ông Suga nói.
Phát biểu của ông Suga được đưa ra 5 tuần sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản chặn các tàu hải cảnh Trung Quốc bám theo một tàu cá Nhật Bản trong vùng biển quanh đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku. Các tàu Trung Quốc rời đi sau khi nhận được cảnh cáo qua radio.
“Bắc Kinh không ngừng thăm dò và tìm cơ hội lợi dụng những điểm yếu của Nhật Bản quanh quần đảo để phục vụ chiến lược lâu dài của họ”, báo SCMP dẫn lời ông Stephen Nagy, phó giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Công giáo quốc tế ở Tokyo.
Ông Nagy cho rằng mục đích của Trung Quốc khi đi vào vùng biển tranh chấp là nhằm thể hiện với cộng đồng quốc tế rằng tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản là yếu vì không thể thực thi quyền kiểm soát hành chính ở khu vực này. Chiến lược đó được gọi là “chiến tranh pháp lý”.
GS Yoichi Shimada, một chuyên gia về quan hệ quốc tế ở ĐH Fukui, đồng ý rằng Trung Quốc có tham vọng lâu dài đối với quần đảo Senkaku và những khu vực khác.
“Với Senkaku, Bắc Kinh đang tiến hành cuộc chiến 100 năm nhằm cho thế giới thấy rằng quần đảo đó là do Trung Quốc quản lý và tôi có thể nói rằng bất kỳ chính trị gia Nhật Bản nào bây giờ tuyên bố có thể chặn tham vọng đó của Trung Quốc cũng chỉ là mơ tưởng”, GS Shimada nói.
“Cách duy nhất Nhật Bản có thể ngăn chặn các bước đi của Trung Quốc là củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Quân đội Mỹ là lực lượng duy nhất mà Trung Quốc e sợ”, GS Shimada nói.
Nhưng học giả này cho rằng vấn đề là Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự lưỡng lự khi giúp các nước khác, ngay cả với đồng minh của Mỹ.
“Tôi sợ rằng Trung Quốc hiểu nhầm quan điểm của Washington và cho rằng chính quyền Mỹ sẽ không giúp Nhật Bản chống lại các bước đi của Trung Quốc ở Senkaku. Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật đã có, nhưng không gì bảo đảm Mỹ làm theo”, ông nói.
Tình hình ở biển Hoa Đông tương tự như nhiều vùng biển khác ở khu vực. Máy bay quân đội Trung Quốc vào không phận Đài Loan trong những ngày gần đây; các tàu Trung Quốc tăng cường hoạt động và quấy rầy các nước láng giềng Đông Nam Á trên biển Đông; căng thẳng chết người trên biên giới Trung Quốc - Ấn Độ khiến 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng.
Cả Washington và Bắc Kinh đều đã đưa thêm tàu chiến ra biển Đông. Lần đầu tiên trong 3 năm qua, ba tàu sân bay Mỹ đang hoạt động trên vùng biển Tây Thái Bình Dương trong những ngày gần đây.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Nhật Bản tích cực xúc tiến hoạt động xích lại gần Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có chuyến thăm cấp nhà nước đến Tokyo vào cuối năm nay, nhưng COVID-19 đẩy hai nước xa nhau hơn, dù Nhật Bản cưỡng lại áp lực của Mỹ về việc chỉ trích Trung Quốc xử lý đại dịch.
Ngày 17/6, Nhật Bản cùng các nước thành viên khác của G7 ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc “xem lại” luật an ninh quốc gia dự kiến áp dụng với Hong Kong, bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” rằng luật này sẽ đe dọa các quyền và tự do của thành phố.