Nhật Bản phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ của Delta
Biến thể này có đột biến N501S, tương tự đột biến N501Y ở biến thể Alpha (phát hiện ở Anh).
Ảnh: Kyodo News
Một nhóm chuyên gia từ Đại học Y khoa và Nha khoa Tokyo (Nhật Bản), do Phó giáo sư Hiroaki Takeuchi đứng đầu cho biết đã phát hiện ca bệnh đầu tiên nhiễm dòng phụ biến thể Delta.
Bệnh nhân không ra nước ngoài trong thời gian gần đây. Dựa trên phân tích bộ gien, các nhà khoa học kết luận “rất có thể đây là trường hợp đột biến trong nước mới nhất”.
Biến thể này có đột biến N501S, tương tự đột biến N501Y ở biến thể Alpha (phát hiện ở Anh).
Khi một bệnh nhân nhiễm biến thể mang đột biến N501Y, họ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng thứ cấp, cũng như có các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong. Do có sự tương đồng giữa N501Y và N501S, nên các nhà khoa học tin rằng bệnh nhân nhiễm N501S có thể đối mặt với nguy cơ tương tự.
Tuy nhiên theo nhóm nghiên cứu, cần phải tìm hiểu thêm để xác nhận mức độ nguy hiểm của biến thể mới so với biến thể Delta nguyên bản.
Hiện chỉ mới có 8 trường hợp tương tự nhiễm biến thể này được xác định trên toàn cầu.
Ngoài ra, còn có ít nhất một chục nhánh con của biến thể Delta khác đã được phát hiện ở các quốc gia như Ấn Độ và Israel. Ít nhất hai nhánh phụ của biến thể Delta là AY.4 và B.1.617.2 được cho là đã xuất hiện ở Nhật Bản hồi tháng Bảy.
Ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên ở Nhật Bản được ghi nhận vào ngày 20/4. Từ cuối tháng Sáu tới cuối tháng Bảy, số bệnh nhân nhiễm biến thể Delta ở Nhật gia tăng nhanh chóng do lây lan trong cộng đồng. Hiện biến thể Delta đang chiếm ưu thế ở Nhật Bản. Ước tính 95% bệnh nhân ở Tokyo nhiễm biến thể này.
Cũng trong ngày 31/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo đang theo dõi biến thể SARS-CoV-2 có tên “Mu”, được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia hồi tháng Một.
Mu, tên khoa học là B.1.621, hiện được xếp vào nhóm biến thể cần quan tâm (VOI).
Theo WHO, biến thể này “có các đột biến cho thấy đặc tính tiềm ẩn của khả năng thoát miễn dịch”.
Sau khi được phát hiện ở Colombia hồi tháng Một, biến thể Mu đã được báo cáo ở các quốc gia Nam Mỹ khác và ở châu Âu.
Giới chuyên gia trước đó từng lo ngại về sự xuất hiện các chủng virus biến thể mới khi tỉ lệ lây nhiễm trên toàn cầu tăng nhanh vì biến thể Delta, cùng lúc đó nhiều quốc gia nới lỏng biện pháp phòng dịch, và nhiều người còn chưa được tiêm chủng.
Nhóm VOI của WHO hiện gồm 5 biến thể, là Eta, Iota, Kappa, Lambda và Mu.
Cao hơn một mức, nhóm biến thể đáng quan ngại (VOC) hiện có 4 cái tên là Alpha (đã có mặt ở 193 quốc gia), Beta, Gamma và (đã có mặt ở 170 quốc gia).