Nhật Bản phát hiện một biến thể Delta mới của virus SARS-CoV-2

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các nhà khoa học của Đại học Y và Nha khoa Tokyo vừa phát hiện một loại biến thể Delta mới mang đột biến tương tự như biến thể Alpha.

Hãng tin Jiji Press dẫn nguồn tin từ Đại học Y và Nha khoa Tokyo cho biết loại biến thể Delta mới này được phát hiện ở một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại một bệnh viện thuộc trường đại học này vào đầu tháng 8.

Biến thể Delta mới vừa mang đột biến L452R giống như biến thể Delta thông thường, vừa mang đột biến N501S, tương đồng với đột biến N501Y trên biến thể Alpha. Bệnh nhân này chưa từng đi ra nước ngoài và mắc COVID-19 do tiếp xúc cộng đồng.

Các nhà khoa học Đại học Y và Nha khoa Tokyo tin rằng nhiều khả năng đột biến N501S đã xảy ra ở Nhật Bản. Theo hãng tin Jiji Press, cho đến nay, có 8 ca nhiễm biến thể Delta mới được ghi nhận ở bên ngoài Nhật Bản, nhưng vẫn chưa rõ mức độ lây lan của biến thể này.

Trong diễn biến khác, ngày 31/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 199 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 64 ca cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay.

Bộ Y tế Lào nêu rõ nước này vẫn tiếp tục ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng rải rác ở nhiều tỉnh.

Đáng chú ý, thủ đô Vientiane là nơi có nhiều ca lây cộng đồng nhất cả nước trong một ngày với 24 ca, trong đó có nhiều ca làm việc tại các nhà máy.

Điều này buộc chính quyền thành phố từ đêm 30/8 phải áp đặt thêm nhiều biện pháp chặt chẽ mới để phòng chống nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng, trong đó có lệnh giới nghiêm từ 22 giờ đến 5h sáng hằng ngày. Đây là lần đầu tiên thủ đô Vientiane áp dụng lệnh giới nghiêm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới.

Tại cuộc họp báo ngày 30/8, đại diện Bộ Y tế Lào cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm lần thứ 3 tại nước này, kêu gọi người dân cả nước tăng cường tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 đã được ban hành và không được chủ quan để tránh nguy cơ tạo ra làn sóng dịch tiếp theo.

Theo bộ trên, ngày càng có nhiều trẻ em và thai phụ mắc COVID-19 tại nước này. Đây là nhóm đối tượng cần được lưu ý và áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt khi được xác định mắc bệnh. Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào sẽ điều chỉnh và cải thiện phương pháp điều trị cho người mắc COVID-19 để phù hợp với nhóm đối tượng này.

Ngoài ra, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt khu vực biên giới thông qua việc tuần tra nghiêm ngặt, tăng cường sàng lọc y tế, chặt chẽ trong kiểm tra, đo thân nhiệt người qua các cửa khẩu quốc tế và cách ly theo quy định. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 15.015 ca, trong đó có 14 người tử vong.

Tại New Zealand, chính phủ nước này ngày 31/8 thông báo số ca mắc mới COVID-19 đã giảm ngày thứ 2 liên tiếp, xuống còn 49 ca. Tổng số ca mắc trong đợt bùng phát hiện nay ở New Zealand là 612 ca, với 597 ca ở thành phố lớn nhất Auckland và 15 ca ở thủ đô Wellington.

Khoảng 1,7 triệu cư dân Auckland phải tiếp tục sống trong lệnh phong tỏa nghiêm ngặt cấp độ 4 thêm 2 tuần nữa, trong khi các biện pháp hạn chế được áp đặt đối với phần còn lại của đất nước sẽ được nới lỏng từ ngày 1/9.

Các trường học, văn phòng và địa điểm công cộng trên toàn quốc vẫn phải đóng cửa, song các doanh nghiệp sẽ được phép vận hành các dịch vụ không tiếp xúc. Tới nay mới chỉ có hơn 25% dân số New Zealand đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - tốc độ chậm nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Ngày 30/8, Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến nghị các nước thành viên đưa 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, ra khỏi danh sách miễn trừ quy định hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19.

Thông cáo của Hội đồng châu Âu nêu rõ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Israel, Kosovo, Liban, Montenegro, Cộng hòa Bắc Macedonia và Mỹ đã bị loại khỏi danh sách miễn trừ. Khuyến nghị này không mang tính ràng buộc đối với các quốc gia thành viên EU, tức là các nước tùy chọn có áp dụng hay không, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay, hầu hết các nước thành viên đều tuân thủ các khuyến nghị của Brussels về hoạt động đi lại.

Thông cáo cũng có đoạn nêu rõ các nước thành viên có thể lựa chọn dỡ bỏ các hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu đến EU đối với những người đã được tiêm phòng đầy đủ.

Thời gian qua, EU áp dụng quy định hạn chế các hoạt động đi lại không thiết yếu đến khu vực này từ các quốc gia bên ngoài và 8 đối tác thân cận gồm Iceland, Lichtenstein, Na Uy, Thụy Sĩ, Andorra, Monaco, San Marino và Tòa thánh Vatican. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn áp dụng quy định này, nhưng số lượng ngày càng giảm và hiện trong danh sách miễn trừ chỉ còn 17 cái tên.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263370/nhat-ban-phat-hien-mot-bien-the-delta-moi-cua-virus-sars-cov-2.html