Nhật Bản: Phát triển tế bào gốc trong chữa bệnh suy tim và khớp gối
Các nhà khoa học Đại học Osaka Nhật Bản ngày 28-11 thông báo đang phát triển một phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân suy tim bằng cách phun trực tiếp các tế bào gốc lên bề mặt của quả tim. Một ngày trước đó, Đại học Kyoto cũng đã yêu cầu chính phủ Nhật Bản cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng phương pháp cấy ghép sụn được tạo thành từ các tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS) để điều trị khớp gối bị tổn thương.
NDĐT - Các nhà khoa học Đại học Osaka Nhật Bản ngày 28-11 thông báo đang phát triển một phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân suy tim bằng cách phun trực tiếp các tế bào gốc lên bề mặt của quả tim. Một ngày trước đó, Đại học Kyoto cũng đã yêu cầu chính phủ Nhật Bản cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng phương pháp cấy ghép sụn được tạo thành từ các tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS) để điều trị khớp gối bị tổn thương.
Các nhà khoa học tại Đại học Osaka đặt mục tiêu áp dụng phương pháp phun trực tiếp tế bào gốc lên bề mặt của quả tim vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong từ ba đến năm năm tới.
Đứng đầu nhóm nghiên cứu là Giáo sư chuyên ngành phẫu thuật tim mạch Yoshiki Sawa thuộc Đại học Osaka. Theo Giáo sư Sawa, phương pháp đơn giản này không đòi hỏi các thiết bị xử lý tế bào, do đó có thể dễ dàng đưa vào thực hành tại các bệnh viện mà không cần các thiết bị xử lý chuyên biệt.
Phương pháp này hướng tới các bệnh nhân bị bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, là tình trạng các cơ tim không được cung cấp đủ máu. Nếu tình trạng này xấu đi, các cơ tim sẽ bị hoại tử và làm giảm khả năng bơm máu của tim.
Phương pháp mới bao gồm việc bơm các tế bào gốc trung mô trong các dung dịch kết dính lên bề mặt quả tim của bệnh nhân trong phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Quá trình này mất chưa đầy một phút.
Phát biểu tại buổi họp báo, Giáo sư Sawa cho biết: “Bằng cách thực hiện biện pháp này đồng thời với phẫu thuật bắc cầu động mạch vành sẽ giúp phục hồi các chức năng của quả tim”.
Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm lâm sàng dưới sự giám sát của các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Osaka để kiểm tra hiệu quả và độ an toàn của phương pháp này trước khi nhận được cấp phép đưa biện pháp mới vào ứng dụng trong chăm sóc y tế cộng đồng.
Nhóm nghiên cứu trước đó đã phát triển một phương pháp điều trị khác. Phương pháp này nuôi cấy các tế bào lấy từ đùi thành các tế bào cơ tim, rồi sau đó cấy ghép các "tấm" tế bào cơ tim này vào quả tim mắc bệnh. Mặc dù việc điều trị đã được áp dụng, nhưng không trở nên phổ biến do phương pháp này đòi hỏi phải có một bộ phận xử lý tế bào.
* Tại Đại học Kyoto, nhóm nghiên cứu do Giáo sư chuyên khoa cảm ứng và điều hòa tế bào Noriyuki Tsumaki đứng đầu, đã phát triển phương pháp chữa khớp gối hư tổn bằng cách nuôi cấy các tế bào iPS để tạo thành các mô sụn và sau đó cấy ghép các sụn này vào đầu gối. Đại học Kyoto cho hay, đã trình kế hoạch này lên Bộ Y tế Nhật Bản hôm 7-11 để một hội đồng đặc biệt xem xét.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp điều trị này trên một con chuột và thu được hiệu quả của phương pháp. Nhóm nghiên cứu cũng xác nhận phương pháp này ít có nguy cơ bị đào thải, phản ứng xơ hóa hay ung thư hóa.
Phương pháp này với sự an toàn đã được một hội đồng của Đại học Kyoto thông qua vào tháng 10.
Phương pháp điều trị mới được hy vọng sẽ giúp điều trị cho các bệnh nhân bị hư hỏng hoặc thoái hóa sụn khớp do chấn thương và bệnh tật.
Mô sụn bao phủ xương khớp và giảm các chấn động, tránh sự cọ xát giữa hai đầu xương khi khớp cử động. Khớp không thể di chuyển trơn tru nếu một phần mô sụn bị tổn thương do chấn thương hoặc nếu bị xơ cứng do lão hóa.
Với phương pháp điều trị cấy ghép mô sụn thông thường hiện nay, thật khó để bảo đảm đủ mô sụn và một phần mô sụn thường có xu hướng bị xơ hóa.