Nhật Bản sẵn sàng nối lại đàm phán hiệp ước hòa bình với Nga khi điều kiện cho phép

Đại sứ Nhật Bản tại Moskva Akira Muto khẳng định Tokyo vẫn duy trì lập trường sẵn sàng nối lại đàm phán với Nga về một hiệp ước hòa bình, bất chấp tình hình địa chính trị căng thẳng và các lệnh trừng phạt được áp đặt trong bối cảnh xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Quần đảo tranh chấp được Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, Moskva gọi là Nam Kuril. Ảnh: TASS

Quần đảo tranh chấp được Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, Moskva gọi là Nam Kuril. Ảnh: TASS

Theo hãng tin TASS ngày 15/7, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Nga, Đại sứ Akira Muto nhấn mạnh việc ký kết hiệp ước hòa bình vẫn là ưu tiên nhằm thiết lập quan hệ song phương ổn định dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông cho biết Tokyo sẽ chỉ có thể tái khởi động đàm phán khi điều kiện cho phép, song lập trường cơ bản về giải quyết vấn đề lãnh thổ giữa hai nước không thay đổi.

“Để xây dựng quan hệ ổn định với Nga dựa trên nguyên tắc pháp quyền, hai bên cần ký kết một hiệp ước hòa bình bằng cách giải quyết triệt để vấn đề lãnh thổ còn tồn đọng, không để biên giới giữa chúng ta bị bỏ ngỏ. Đây là bước đi sẽ xác định ranh giới cuối cùng, vì lợi ích của cả hai quốc gia. Chúng tôi duy trì quan điểm này mà không thay đổi”, ông Muto nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao Nhật Bản cũng dẫn lại tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Moskva sẵn sàng “xây dựng quan hệ với Tokyo”, đồng thời khẳng định Nhật Bản coi Nga là láng giềng tự nhiên và là đối tác quan trọng trong khu vực. “Chúng tôi quan tâm đến các phát biểu của lãnh đạo Nga và cũng hy vọng sẽ nối lại đàm phán về hiệp ước hòa bình với quốc gia láng giềng Nga ngay khi tình hình cho phép”, ông Muto nói thêm.

Tokyo và Moskva đã bắt đầu các cuộc thương lượng từ giữa thế kỷ 20 để tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình, vốn chưa từng được thực hiện kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Vướng mắc lớn nhất suốt nhiều thập niên qua vẫn là tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo ở phía nam quần đảo Kuril, nơi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Sau chiến tranh, toàn bộ quần đảo Kuril đã được sáp nhập vào Liên Xô (nay là Nga), song Nhật Bản vẫn khẳng định chủ quyền với các đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và nhóm đảo Habomai nhỏ không có người ở.

Chính phủ Nga nhiều lần nhấn mạnh chủ quyền không thể tranh cãi đối với các hòn đảo thuộc quần đảo Kuril, khẳng định đây là lãnh thổ không thể tách rời của Liên bang Nga, có đầy đủ cơ sở pháp lý quốc tế và không thuộc diện đàm phán.

Bất đồng về vấn đề này đã cản trở hai nước ký kết hiệp ước hòa bình suốt gần 80 năm qua, bất chấp nhiều nỗ lực ngoại giao từ cả hai phía. Trong quá khứ, đã có những giai đoạn Tokyo và Moskva đạt tiến triển nhất định trong đàm phán, đặc biệt khi đôi bên tìm kiếm giải pháp chia sẻ hoặc phát triển chung khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, xung đột lợi ích, khác biệt lập trường về chủ quyền cũng như các yếu tố địa chính trị đã khiến mọi đề xuất đều rơi vào bế tắc.

Tình hình càng trở nên phức tạp kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhật Bản đã tham gia cùng các quốc gia phương Tây áp đặt nhiều gói trừng phạt nhằm vào Moskva, từ đóng băng tài sản, hạn chế tài chính đến kiểm soát xuất khẩu công nghệ nhạy cảm. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố tạm dừng các cuộc tham vấn liên quan đến hiệp ước hòa bình với Tokyo, cho rằng việc thảo luận về một văn kiện quan trọng như vậy là chưa phù hợp trong bối cảnh Nhật Bản áp dụng các biện pháp bị Moskva coi là không thân thiện và có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Nga.

Một số chuyên gia quốc tế nhận định, căng thẳng hiện nay có thể sẽ làm kéo dài thế bế tắc về hiệp ước hòa bình Nga - Nhật, bất chấp những tín hiệu thiện chí vẫn được hai bên duy trì ở cấp ngoại giao. Tuy nhiên, cả Tokyo lẫn Moskva đều nhận thức rõ lợi ích chiến lược lâu dài của việc ổn định quan hệ song phương, đặc biệt trong bối cảnh cán cân quyền lực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có nhiều biến động.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-san-sang-noi-lai-dam-phan-hiep-uoc-hoa-binh-voi-nga-khi-dieu-kien-cho-phep-20250715080424199.htm